Người Hà Nhì đen ở Bát Xát sinh sống tập trung tại xã Y Tý, Nậm Pung và rải rác tại các xã A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù chiếm khoảng 6 % dân số toàn huyện. Hoà mình trong dòng chảy văn hoá các dân tộc huyện Bát Xát, bản sắc văn hoá truyền thống của người Hà Nhì cũng mang nhiều nét đặc sắc, phong phú riêng. Người Hà Nhì tổ chức nhiều lễ, tết và hội hè theo mùa xuân, hạ, thu, đông tạo nên bản sắc đặc trưng riêng như: Tết trong tháng giêng (gồm các lễ Ga tu tu – cấm làng; Lễ cúng thần nước “Lú khù sụ”; Lễ cúng rừng “Gạ ma gio” và Lễ tạ ơn thầy cúng); Tết tháng 3 lễ cúng rừng “Mu thu gio”; tháng 6 Lễ hội “Khô già già”, tháng 10 tổ chức Lễ cơm mới và tháng 11 tổ chức tết đông “Ga tho tho” …

Lễ hội Khô già già là lễ hội Cầu mùa, lễ hội ra đời cùng với sự tồn tại và phát triển của tộc người Hà Nhì đen, không ai nhớ lễ hội xuất hiện từ bao giờ, có từ đời nào, họ chỉ biết rằng từ khi cha mẹ sinh ra đã thấy lễ hội này được tổ chức hàng năm. Và lễ hội đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của cư dân nông nghiệp canh tác lúa ruộng trên các triền núi. Lễ hội Khô già già có quy mô tổ chức tại cộng đồng thôn (một thôn), được tổ chức vào mùa hạ (tháng 6 âm lịch) nhằm mục đích cầu mùa, cầu mong sự sinh sôi phát triển, cầu thần rừng, thần thổ địa, thần nước phù hộ cho bản làng được bình yên, con người được mạnh khỏe…

Lễ hội mở ra, là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh, mùa màng bội thu” mà biểu trưng là các hoạt động trò chơi dân gian như chơi đu quay, đu dây được cả cộng đồng tham gia tại trung tâm Lễ hội với mong muốn được các đấng thần linh che chở, bảo vệ và phù hộ cho người dân trong cộng đồng. Lễ hội mở ra có sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời nó còn nhận được sự quan tâm và cổ vũ mạnh mẽ từ chính các thành viên trong và ngoài thôn. Bởi vậy, có thể đánh giá Lễ hội “Khô già già” thể hiện được tính phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận và được chính họ lưu giữ, bảo tồn.
Năm nay, Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì bắt đầu từ ngày 28-30/6/2025 Dương lịch(Tức ngày 04 -06/6 Âm lịch vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai)

Ngày 28/6 – Thứ bảy: Lập lại lán và dọn dẹp khu công viên diễn ra Lễ hội.
Ngày 29/6 – Chủ nhật: Hiến Lễ- mổ trâu, cúng lễ gia tiên và dự bữa cơm truyền thống cùng đồng bào Hà Nhì
Ngày 30/6 – Thứ hai: Ngày chính hội: tổ chức các hoạt Cúng lễ cầu mùa, tham gia các trò chơi dân gian: Đu dây, đu quay (bập bênh)….

Lễ hội Khô Già Già đã được đưa vào danh mục văn hoá phi vật thể Quốc gia vào năm 2014; Đến với Lễ hội, du khách thập phương sẽ được tham quan và trải nghiệm rất nhiều hoạt động văn hoá độc đáo và ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Nhì đen.
MẠNH LINH – PHÒNG VĂN HOÁ, KH – TT