Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt được xây dựng gần cột mốc 92, thuộc địa bàn thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Tỉnh Lào Cai.
Lũng Pô tên một dòng suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt Nam – Trung Quốc.Tiếng địa phương gọi là Long Pò, tên con suối được dịch nghĩa là Rồng Cha, uốn dài từ dải Hoàng Liên trùng điệp, mang con nước hòa vào sông Hồng.Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Cột mốc 92(1) nằm ở phía Việt Nam
Với mục đích khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, công trình Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016 và khánh thành vào ngày 16/2/2017 trên diện tích đất 2100 m2, bao gồm các hạng mục: Cột cờ cao 41m, phần thân chính cao 31.43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m; lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc đang cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, phần ngoại cảnh gồm các hạng mục sân cỏ, nhà lưu niệm, bãi đỗ xe và kè đá, tường rào bao quanh cột cờ…
Nhà lưu niệm
Cột cờ Lũng Pô không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, đây cũng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của đông đảo du khách khi đặt chân đến Bát Xát. Cột cờ Lũng Pô là điểm quan trong trong tuyến du lịch biên giới dọc sông Hồng: Bản Vược – Cốc Mỳ – Trịnh Tường – Cột mốc 92, Cột Cờ Lũng Pô; Tuyến: Bát Xát – Bản Vược – Trịnh Tường – A Mú Sung – Y Tý; Tuyến đường Trịnh Tường – Phìn Hồ – Y Tý, Cột Cờ Lũng Pô là điểm tham quan chính và thu hút du khách trong tuyến: Bát Xát – Trịnh Tường – Cột cờ Lũng Pô – Y Tý.
Cột cờ Lũng Pô – Hiên ngang nơi biên cương tổ quốc
Đứng trên cột cờ, nhìn dòng sông mải miết chảy về xuôi, một cảm giác tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống cha anh mãnh liệt trỗi dậy trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây. Cột Cờ Lũng Pô từ sau ngày khánh thành đã thu hút một lượng lớn nhân dân, du khách đến tham quan. Cùng với rất nhiều tài nguyên du lịch khác, Cột Cờ Lũng Pô đã trở thành điểm đến không thể thiếu mỗi khi du khách đến với Bát Xát.
Trung Hiếu