Điểm Du lịch cộng đồng thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Dao

Dền Sáng là vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Toàn xã có 468 hộ (số liệu năm 2022), dân số 2.267 người, gồm 4 thôn bản, có 5 anh em dân tộc sinh sống là: Dao, Tày, Kinh, Giáy, Mông trong đó dân tộc Dao chiếm 98%. Con người nơi đây có truyền thống cần cù, sáng tạo, đoàn kết trong lao động sản xuất, tình yêu gắn bó với thiên nhiên núi rừng. Dền Sáng có tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 4.023,54 ha; nằm ở phía Tây – Tây bắc của huyện Bát Xát, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 42 km và cách trung tâm cụm xã Mường Hum 8 km. Phía Bắc giáp với xã Ý Tý, phía tây và nam giáp với xã Sàng Ma Sáo, phía đông giáp xã Dền Thàng và Trịnh Tường. Đây cũng là địa bàn đóng quân của Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và một số dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ. Ngoài trồng lúa nước, ngô truyền thống, nhân dân cũng đã từng bước chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi sang các lĩnh vự như trồng chè, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh, chăm sóc và thu mật ong rừng,… trong đó Mật ong rừng Dền Sáng đã được công nhận là nhãn hiệu tập thể.

Có lợi thế là địa bàn nằm giữa 2 trung tâm cụm xã Ý Tý và Mường Hum, có trục đường tỉnh lộ 158 chạy qua, vì vậy xã Dền Sáng có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu hàng hoá và văn hoá, du lịch. Xã là trung tâm cầu nối du lịch của các tuyến du lịch trên địa bàn huyện như: Tuyến Sapa – Y Tý, tuyến Đường Đá cổ Pavie – Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ – tỉnh Lai Châu). Thiên nhiên ban tặng cho xã Dền Sáng nhiều cảnh đẹp và có tài nguyên du lịch phong phú tiêu biểu và nổi tiến có thể kể đến các tài nguyên như Thác Đỏ, Thác Tiên, Núi Lảo Thẩn (chung địa bàn với các xã Dền Thàng, Trịnh Tường), Rừng già Dền Sáng, ruộng bậc thang Dền Sáng,….

Trong những năm qua, phát huy truyền thống văn hóa và tiềm năng về tài nguyên tự nhiên, cấp ủy chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp để tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế du lịch, trong đó trọng tâm là các hộ địa bàn thôn Ngải Trồ. Một số hộ đồng bào dân tộc Dao trong thôn đã sửa chữa, cải tạo nếp nhà truyền thống để phát triển dịch vụ lưu trú, tắm lá thuốc để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Do còn lưu giữ nghề hái lá thuốc truyền thống của dân tộc Dao, nên ở đây từng bước đã hình thành câu lạc bộ, tổ hợp tác liên kết các hộ cùng cung cấp dịch vụ tắm lá thuốc, lưu trú và nấu các món ăn truyền thống dân tộc phục vụ du khách.

Ngoài ra, cư dân trên địa bàn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa, các các lễ hội truyền thống của người Dao, nghề chạm bạc, nghề rèn nông cụ truyền thống phục vụ nhu cầu sử dụng trong cộng đồng dân cư. Trên địa bàn xã đã thành 5 lập đội văn nghệ dân gian tại các thôn. Đến với Dền Sáng, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ giàu bản sắc văn hóa dân tộc Dao; được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thu hút ấn tượng với các thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mùa vào mùa nước đổ, mùa lúa chín; hay tham gia các chuyến dã ngoại, trải nghiệm thiên nhiên hùng vỹ khi đi Thác Đỏ, Thác Tiên, rừng chè Cổ thụ…Và sau đó lại được thư giãn với dịch vụ tắm thuốc truyền thống của người Dao đỏ và thưởng thức các món ăn ẩm thực độc đáo của địa phương. Với sức hút của riêng của mình, hàng năm Dền Sáng đã khoảng trên chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế.

PHẠM TÂM – PHÒNG VĂN HOÁ VÀ TT