“Các điệu múa của người Hà Nhì ở Bát Xát (Lào Cai) là một kho tàng văn hóa phong phú, gắn bó mật thiết với đời sống lao động, sinh hoạt và tín ngưỡng cộng đồng. Múa không chỉ đơn thuần là hình thức biểu diễn nghệ thuật, mà còn là phương tiện để người Hà Nhì thể hiện tâm tư, tình cảm, niềm tin và bản sắc dân tộc.”
Người Hà Nhì từ lâu đã sáng tạo nên nhiều điệu múa gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng dân gian và nghi lễ tâm linh. Các điệu múa của họ mang đậm tính tập thể, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền, đám cưới, hoặc khi đón khách quý đến thăm bản.

Một số điệu múa tiêu biểu của người Hà Nhì:
Điệu múa “A Đù Lu”
“A Đù Lu” là một trong những điệu múa tiêu biểu mang tính nghi lễ, thường được tổ chức vào dịp Tết năm mới. Đây là điệu múa tập thể kết hợp cả nam và nữ, bao gồm các động tác vỗ tay, nhấc chân, di chuyển theo vòng tròn từ trái qua phải rồi ngược lại. Đội múa gồm cả chủ và khách, thường múa ngay tại gian nhà nhỏ hoặc ngoài sân trong không khí vui tươi, ấm cúng.
Theo lời hát của bài “A Đù Lu”, người múa vỗ tay, bước chân theo nhịp, hòa vào vòng tròn di chuyển, tạo nên sự đồng điệu giữa âm nhạc, động tác và tình cảm. Điệu múa này mang ý nghĩa chúc mừng năm mới, cầu mong bản làng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống sung túc.
Điệu múa mừng mặt trăng “Ba Sa Ma”
“Ba Sa Ma” là điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng, thường được tổ chức vào dịp Tết tháng Sáu và các đêm trăng rằm. Đây là lúc người Hà Nhì gửi gắm lời cầu chúc cho ánh trăng luôn sáng tỏ, soi đường chỉ lối và mang lại niềm vui, no ấm cho dân bản.
Điệu múa này có thể do tốp múa nữ, nam hoặc kết hợp cả hai giới biểu diễn, với số lượng người luôn là số chẵn (4, 6, 8, 10…), thể hiện quan niệm “cặp đôi hòa hợp” và biểu trưng cho sự kết hợp âm – dương, sinh sôi nảy nở. Các động tác múa uyển chuyển, kết hợp hát tập thể, vỗ tay, bước chân theo nhịp, tạo nên không khí rộn ràng, đầm ấm dưới ánh trăng.
Điệu múa sư tử “Se Chừ Dê”
Khác biệt và độc đáo, “Se Chừ Dê” là điệu múa tập thể dành riêng cho nam giới, thường từ 4 người trở lên. Trong đó, 3 người sẽ hóa thân thành thân hình con sư tử, sử dụng các vật dụng đời thường như cái xúc thóc bằng mây, khăn vuông của phụ nữ để tạo hình đầu sư tử. Dàn nhạc đi kèm cũng đơn giản nhưng sáng tạo, có thể dùng trống, chậu nhôm hoặc nồi làm nhạc cụ, kết hợp chuông nhạc đeo ở tay tạo nên âm thanh vui tai, rộn rã.
Điệu múa sư tử không chỉ là màn biểu diễn sôi động, mà còn mang ý nghĩa trừ tà, cầu an và biểu thị tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng nam giới trong bảo vệ bản làng.
Ngoài ra, người Hà Nhì còn có nhiều điệu múa khác như múa trống chiêng, múa úp chiêng, múa cầm giỏ cơm… Tất cả đều phản ánh một đời sống tinh thần phong phú, nơi nghệ thuật gắn liền với cộng đồng và thiên nhiên.

Nghệ thuật múa của người Hà Nhì không đơn thuần là hình thức giải trí, mà còn là nơi thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, và khát vọng của cộng đồng. Các điệu múa luôn gắn liền với dân ca, nhạc cụ truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Thông qua những bài múa, người lớn truyền lại cho con cháu tinh thần yêu bản sắc, gắn bó với cội nguồn. Đây cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả, tạo động lực tích cực cho cuộc sống.
Phạm Loan – Ban QLDT&PTDL