DU LỊCH BÁT XÁT TIỀM NĂNG – LỢI THẾ – PHÁT TRIỂN

Bát Xát – “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, một huyện vùng cao biên giới giáp với 2 huyện Kim Bình và Hà Khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; là địa bàn quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lào Cai. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 103.568,02 ha, Bát Xát hiện có có 23 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 20 xã và 01 thị trấn. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng với nhiều tri thức dân gian đang được gìn giữ, phát huy và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch khám phá tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc đang thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Đền Mẫu Trịnh Tường – Điểm đến du lịch tâm linh

Để khám phá du lịch Bát Xát, từ thành phố Lào Cai ngược theo dòng chảy của con Sông Hồng theo hướng Tây – Bắc khoảng trên 30km, du khách sẽ đến với mảnh đất biên giới Trịnh Tường – nơi có Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Ngôi Đền tọa lạc bên bờ hữu ngạn Sông Hồng, sát ngay cột mốc biên giới 94(2). Đền Mẫu Trịnh Tường được Nhân dân địa phương xây dựng theo tín ngưỡng của người Việt từ nhiều đời nay. Đây được coi là cột mốc tâm linh khẳng định và đánh dấu chủ quyền nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và bằng nguồn xã hội hóa, thiện tâm, công đức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; ngôi Đền đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, bề thế với khuôn viên sạch đẹp, rộng rãi. Hàng năm, vào dịp 10/3 (âm lịch), UBND huyện Bát Xát lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Đền Mẫu thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Cột cờ Lũng Pô – Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt

Ngược lên A Mú Sung “Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt” du khách được chiêm ngưỡng Cột cờ Lũng Pô sừng sững, hiên ngang như người lính yêu nước kiên trung, nghiêm trang và đầy vững trãi, ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trên cột cờ nhìn xuống, dòng Sông Hồng rực đỏ phù sa cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi tiếp ứng cho mùa màng vùng đồng bằng thêm nặng hạt. Cột cờ Lũng Pô còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới Quốc gia; giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Y Tý thơ mộng trong lòng du khách

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, Y Tý thơ mộng với khí hậu mát lành quanh năm và phong cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Với đỉnh núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn bốn mùa sương giăng, mây phủ; cùng cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ trên các sườn núi chính là tiềm năng sẵn có để Y Tý phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp Y Tý thường có hiện tượng băng tuyết xuất hiện. Ngoài phong cảnh đẹp, Y Tý còn là mảnh đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc địa phương.

Cung đường chinh phục đỉnh Ky Quan San

Ngoài những điểm đến hấp dẫn, trong những năm gần đây Bát Xát đang thu hút một lượng khách rất lớn trong hành trình chinh phục các đỉnh núi. Nằm giữa ranh giới tự nhiên của 2 xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đỉnh Ky Quan San cao 3.046 m và là ngọn núi cao thứ 4 của Việt Nam. Ky Quan San được đưa vào khai thác từ năm 2012. Điểm đến này đã và đang trở thành một trong những điểm trekking cực kỳ nổi tiếng, được nhiều người đam mê xê dịch khám phá, trải nghiệm.

Đỉnh Pu Ta Leng thu hút sự quan tâm trải nghiệm của nhiều du khách

Sở hữu độ cao 3.049m so với mực nước biển, trên dãy Hoàng Liên Sơn, là ranh giới tự nhiên giữa xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đỉnh Pu Ta Leng không chỉ hấp dẫn bởi Top 3 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, mà thú vị hơn cả là những khám phá, trải nghiệm trên hành trình chinh phục. Đây là điểm đến tuyệt vời cho du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Pu Ta Leng đang là điểm đến được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến chinh phục.

Những cây Chè cổ thụ trên dãy Lảo Thẩn

Ẩn mình trong rừng nguyên sinh trên dãy núi Lảo Thẩn, ở độ cao từ 2.200m-2.550m so với mực nước biển thuộc địa giới hành chính 4 xã Dền Thàng, Dền Sáng, Trịnh Tường, Cốc Mỳ huyện Bát Xát, là vùng chè búp đỏ và chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Những cây chè cổ thụ nơi đây được phân bố rải rác dưới tán rừng khoảng 100ha; nhiều cây cao tới cả vài chục mét, thân cây xù xì, rêu phong, cành lá xum xuê, bảng lảng trong sương sớm giữa đại ngàn hùng vĩ. Để bảo vệ và khai thác có hiệu quả diện tích chè cổ thụ hiện có; huyện Bát Xát đã tiến hành khảo sát, xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn nguồn gen, đầu tư trồng mới, bổ sung mở rộng diện tích; đánh giá tiềm năng phát triển vùng chè cổ thụ, nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái trên cung đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Đường đá cổ Pavi ẩn mình giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ

Với chiều dài gần 20km, đường đá cổ Pavi được xây dựng từ thời Pháp thuộc (1927). Đây là tuyến đường nối từ bản Trà Phà, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đến bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng già Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, hiện nay cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ đón du khách đến trải nghiệm, khám phá. Những năm gần đây đường đá cổ Pavi như một sợi dây kết nối tiềm năng du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu; một tuyến du lịch giàu triển vọng, đánh thức những trầm tích văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo trên dãy Hoàng Liên.

Đua xe bán tải địa hình – Sản phẩm du lịch mới lạ

Với mong muốn quảng bá hình ảnh đẹp, điểm du lịch độc đáo, các sản phẩm du lịch mới lạ của Bát Xát đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, hằng năm huyện Bát Xát tổ chức Lễ hội mùa Thu với các chuỗi hoạt động mới lạ, hấp dẫn được đông đảo du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm bản sắc văn hóa, thưởng thức đặc sản vùng miền, văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhộn nhịp chợ phiên Y Tý

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Bát Xát đã và đang cụ thể hóa bằng Đề án số 05 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020-2025”. Hiện tại, ngoài việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có, Bát Xát đang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch; tăng cường khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển các dịch vụ; tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng thu hút khách du lịch.

Trải nghiệm bay dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang ở Bát Xát

Với những tiềm năng lợi thế, trong tương lai Bát Xát sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong nước và quốc tế. Nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai đã và đang xây dựng Đề án phát triển du lịch Y Tý huyện Bát Xát giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng xây dựng khu du lịch Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh Lào Cai. Trong đó tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bản sắc riêng để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng; tạo sự “đột phá” trong phát triển du lịch Bát Xát, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Khám phá nhiều thác nước đẹp ở Bát Xát

Có thể nói với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng khí hậu trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và nhiều địa danh nổi tiếng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và du khách thập phương. Tin tưởng rằng, các tổ chức, cá nhân sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư để du lịch Bát Xát có bước phát triển nhanh, bền vững, mở ra hướng đi mới quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của địa phương.

Quang Phấn, Trung tâm Văn hóa, TT-TT Bát Xát