Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Tục thờ Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các vị thần thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ. Quá trình tiếp biến văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Do đó, vào hồi 17h15 giờ địa phương ( 21h15 giờ Việt Nam) ngày 01/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dọc hai bờ Sông Hồng từ Phú Thọ tới Lào Cai có nhiều ngôi đền nổi tiếng được người dân, du khách tìm tới tham quan, chiêm bái như Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), đền Bảo Hà ( xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), Đền Đôi Cô Cam Đường, Đền Mẫu, Đền Thượng, Đền Cấm (địa bàn thành phố Lào Cai) và thượng nguồn Sông Hồng tại Thôn Phố mới 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai từ lâu đã có một ngôi đền thờ Mẫu Thượng Ngàn, hình thành một chuỗi du lịch tâm linh “Về cội nguồn” dọc sông Hồng từ Phú Thọ đến Lào Cai.
Đền Mẫu Trịnh Tường tại thôn Phố Mới 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai- Ảnh chụp năm 2024
Trong cuốn “Thần tích Việt Nam” [1] có viết: Theo thuyết thần linh Thượng Ngàn Công Chúa húy La Bình, con gái Tản Viên Sơn Thánh, cháu ngoại Vua Hùng Duệ Vương. La Bình là một cô gái tuyệt sắc có nhiều tài nghệ, thường theo cha du ngoạn khắp núi non, sơn động. Đi đến đâu ngài cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với muông thú, cỏ cây, sơn Thần ở các núi non đều quý trọng mến phục. Thượng đế phong hiệu là “Thượng Ngàn Công Chúa” cai quản các cửa rừng cõi Nam Giao. Thượng Ngàn Công chúa tấm lòng bao dung, rất thương dân chúng, phù trợ cho những người làm ăn trong rừng chân cứng đá mềm. Thần được tôn sưng là “Mẹ” tức “Mẫu Nhạc phủ” trong tục thờ Mẫu Tam phủ của dân tộc Việt Nam ( Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên cai quản Thiên Phủ, Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ, Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ). Mẫu Thượng Ngàn được sử sách miêu tả hình ảnh khuôn trăng đầy đặn, nét mặt hiền từ, mặc áo màu xanh, choàng khăn xanh, ngài có công to lớn trong việc cung cấp nguồn của cải, trị vì thiên tai, giúp đỡ con người nơi núi rừng biên ải…Thấy được đức độ, tấm lòng yêu thương dân chúng, bảo hộ đất nước, chở che cho dân lành, cùng với công lao to lớn của Mẫu Thượng Ngàn, để tỏ lòng biết ơn và thành kính, Nhân dân đã lập đền thờ Mẫu trên địa bàn thôn Phố Mới I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Đền Mẫu Trịnh Tường có từ lâu đời, ngôi Đền có vị trí chiến lược án ngữ khu vực thượng nguồn Sông Hồng từ ngã ba Lũng Pô – Nơi con Sông Hồng chảy vào Đất Việt, Đền xây dựng bên bờ Sông Hồng, giáp cột mốc biên giới số 94(2), gần dòng Thác Tây một địa danh nổi tiếng gắn với chiến công hiển hách của quân và dân Bát Xát trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ Huyện Bát Xát có ghi lại: “10 giờ sáng ngày 19-8-1886, đoàn thuyền của Pháp vượt Thác Tây, địch ghé vào bờ thì sa vào trận địa phục kích của họ Thào. Hai tên trung úy chỉ huy cùng 11 tên lính khác bị tiêu diệt, các thuyền sau bỏ chạy. Đây là trận thiệt hại nặng nhất của Pháp ở bờ hữu ngạn Sông Hồng”. Tại địa danh Thác Tây quân dân ta đã bắn chìm nhiều tàu thủy của quân Pháp khi chúng hành quân lên Trịnh Tường. Ngôi đền với chiều dài lịch sử, vị trí chiến lược, gắn với chiến công của quân và Nhân dân Bát Xát trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương của Tổ quốc, ngày 12/12/2016, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 4455/QĐ-UBND công nhận Đền Mẫu, Thôn Phố Mới 1, xã Trịnh Tường là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, ngôi Đền cũng chính là “Cột mốc tâm linh” của cha ông ta dựng lên nơi biên ải.
Sau khi ngôi Đền được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong huyện Bát Xát nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung về một nơi thờ tự, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống, hướng về cội nguồn dân tộc, năm 2019 UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương “Xây dựng, trùng tu, tôn tạo Di tích Lịch Sử – Văn hóa Đền Mẫu Trịnh Tường huyện Bát Xát” trên chính khuôn viên ngôi đền cổ trước đây bằng nguồn vốn xã hội hóa. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Đền Mẫu Trịnh Tường đã hoàn thành công tác xây dựng, trùng tu, tôn tạo với tổng diện tích 9.245m2, gồm các hạng mục: Đền chính với các ban thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu truyền thống gồm Ban công đồng thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị tôn quan, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bơ; bên phải là Ban thờ Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, bên trái là ban thờ Chúa Sơn trang; trung cung là ban thờ Tam Tòa thánh mẫu; hậu cung thờ Đệ Nhị Thánh Mẫu Thượng Ngàn, ngoài ra còn có Nhà tả vu, nhà Hữu vu, nhà sắp lễ; lầu Cô, lầu Cậu; Đền Trình, Nghi môn, am hóa vàng mã, ngoại thất bao gồm hồ bán nguyệt phía trước Nghi môn, hàng rào, sân bê tông, cây xanh…Theo dòng chảy của thời gian, quá trình hình thành, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu Trịnh Tường mang đầy đủ các giá trị về văn hóa – lịch sử, kinh tế, du lịch, thẩm mỹ và quốc phòng, an ninh.
Đền Mẫu Trịnh Tường sau khi được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa – Ảnh chụp năm 2024
Bàn luận về sự linh thiêng của Đền Mẫu Trịnh Tường các cụ cao niên trong thôn Phố Mới 1 kể: Vào thập niên 60 của Thế kỷ XX khi ấy ngôi đền xuống cấp, đền bị tháo dỡ có người vào lấy chiếc chuông bằng đồng làm mõ đeo cho trâu, thời gian không lâu trâu chết, người lấy chiếc chuông ấy bị bệnh tóc rụng dần và chết. Cho tới đời con, đời cháu nhiều người ốm đau, gia đình lục đục, gia đình nọ cho rằng vì lấy chiếc chuông của đền nên mới gặp tai ương nên làm lễ trả chiếc chuông lại cho đền nên mới yên ổn. Cũng theo các cụ cao niên kể: Trước đây ở trước cửa đền có hai cây gạo cổ thụ cành lá sum xuê, thân cây rất to, mấy người ôm, cây gạo bị chặt, người trực tiếp chặt hai cây gạo đó một thời gian sau đang ăn cơm bỗng dưng đột tử, những người dân ở gần đó lấy cành cây gạo về làm củi, người thì bị gẫy chân, gãy tay… Nghe nói sau phải làm lễ tạ tại đền mới được yên ổn. Những câu chuyện liên quan đến tâm linh mà dân gian truyền lại thực hư chưa ai khảo cứu, nhưng ẩn chứa bên trong câu chuyện ấy là sự giáo dục ý thức tôn thờ tín ngưỡng truyền thống, gìn giữ di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu. Là ngôi đền ở miền biên viễn, giáp biên giới Việt – Trung, thế nhưng hàng năm vẫn có rất nhiều người từ Hà Nội và các tỉnh trên khắp cả nước đến để lễ bái. Đối với người dân ở Trịnh Tường và các vùng lân cận, Nhân dân luôn tôn kính, tin tưởng về sự linh thiêng ở ngôi đền, thành tâm gìn giữ ngôi đền như tài sản của chính gia đình mình, như một giá trị cốt lõi ăn sâu vào tiềm thức.
Quang cảnh Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường- Ảnh chụp năm 2024
Rước kiệu trong Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường
Lễ hội đền Mẫu Trịnh Trường thường được tổ chức trong 3 ngày, chính lễ tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội kết hợp hài hòa việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến phát triển du lịch, bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa của di tích và giá trị lịch sử của ngôi Đền.
Lễ tế, dâng lễ, dâng hương tại Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường- Ảnh chụp năm 2021
Lễ hội gồm phần Lễ và phần Hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng với nghi lễ rước kiệu từ sáng sớm ngày 10 tháng 3 âm lịch ( ngày chính của Lễ hội) có hàng ngàn người tham gia rước kiệu Mẫu, kiệu được rước quanh thôn Phố Mới 1 và Phố Mới 2, sau đó là chương trình khai mạc với các tiết mục văn nghệ mang đậm đà bản sắc dân tộc, đánh trống khai hội, nghi lễ tế tuyên trúc ca ngượi công đức vô biên của Mẫu Thượng Ngàn, đồng thời cầu Mẫu phù hộ độ trì cho Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; tiếp đó là màm tế lễ do chính Nhân dân xã Trịnh Tường thực hiện, nghi lễ dâng lễ, dâng hương. Buổi tối của những ngày Lễ hội Ban quản lý Đền tổ chức nghi lễ diễn xướng văn hóa dân gian hầu đồng với các giá đồng theo đúng tín ngưỡng thờ Mẫu. Về phần hội thường được tổ chức nhiều ngày trước đó, các hoạt động múa Lân-sư-rồng, màn trình diễn võ thuật khơi dậy truyền thống thượng võ của cha ông; tổ chức thi trình diễn trang phục dân tộc của 23 dân tộc trên địa bàn huyện nhằm giới thiệu nét đẹp truyền thống của các bộ trang phục dân tộc; đồng thời sân khấu hóa trích đoạn các lễ hội, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như Lễ cấp sắc người Dao đỏ, nghi lễ Then của người Giáy, lễ hội Pút tồng của người Dao, Lễ Khô Già Già của người Hà Nhì…để quảng bá, giới thiệu đến du khách hiểu thêm về vùng đất, con người và truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát. Trong lễ hội còn tổ chức thi đấu các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, cầu lông, các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn thể thao, cờ tướng thu hút đông đảo vận động viên và du khách tham gia; tổ chức thi giã bánh giầy, thi trưng bày, trình diễn các món ăn, các loại bánh truyền thống của Nhân dân các xã trong huyện. Cùng với đó là các trò chơi dân gian như đi cầu kiều, chuyển nước bằng đĩa, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt…để du khách thập phương được hòa mình vào không gian của Lễ hội. Tại Lễ hội kết hợp với việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện thường tổ chức phiên chợ quảng bá, tiêu thụ các nông sản miền núi với các sản vật của tất cả các xã được trưng bày và bán cho du khách đến tham quan, chiêm bái, mua về làm quà cho gia đình và người thân. Lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường được tổ chức trang trọng, đúng tín ngưỡng thờ Mẫu, khai thác được những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian đa sắc màu, hấp dẫn và phù hợp với điều
kiện thực tế của địa phương.
Thi trình diễn trang phục dân tộc tại Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2024
Đền Mẫu Trịnh Tường mở cửa để Nhân dân chiêm bái vào tất cả các ngày trong tuần là điểm dừng chân của du khách khi du lịch Y Tý, Cột Cờ Lũng Pô; hàng năm Ban quản lý Đền và Thủ nhang đều đặn tổ chức lễ cầu an đầu năm vào dịp rằm tháng giêng, tiếp đó ngày 20 tháng 8 âm lịch Đền mở tiệc giỗ cha, những ngày cuối tháng chạp (Thường là ngày cuối cùng năm âm lịch) tổ chức lễ tạ cuối năm. Cũng như các di tích thờ Mẫu khác, Đền Mẫu Trịnh Tường thể hiện được toàn bộ những nét chung trong tục thờ Mẫu của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Với vị trí chiến lược án ngữ khu vực thượng nguồn Sông Hồng, trong vành đai biên giới Việt- Trung, giáp Cột mốc 94 (2), Đền Mẫu Trịnh Tường khẳng định là “Cột mốc tâm linh” của cha ông ta dựng lên nơi vùng biên ải. Đền Mẫu Trịnh Tường giờ đây đã trở thành điểm đến tâm linh, cùng với Cột Cờ Lũng Pô tạo nên tuyến du lịch tâm linh về với cội nguồn- Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt mà những ai đã từng đặt chân đến nơi đây không thể nào quên.
Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Văn hoá, TT-TT