Dân tộc Dao đỏ là một trong cộng đồng 54 dân tộc dân tộc Việt Nam. Tại Lào Cai người Dao sống tập trung chủ yếu ở các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, Sa Pa. Tại huyện Bát Xát dân số dân tộc Dao đỏ có trên 21 ngìn người sống phân bổ trên hầu hết các xã, thị trấn. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu tại các xã Tòng Sành, Phìn Ngan, Bản Qua, Bản Vược, Bản Xèo, Mường Hum, Dền Sáng, Nậm Pung, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Y Tý. Trong quá trình lao động sản xuất, tạo dựng cuộc sống, dân tộc Dao đã hình thành nên một nền văn hóa phong phú, đặc sắc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là họ đã sáng tạo, bảo tồn, phát triển chữ Nôm Dao trong cộng đồng. Đây là một nét đẹp văn hóa tiêu biểu được người Dao đỏ duy trì, gìn giữ qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay.
Cũng giống như chữ Nôm của người Kinh, người Tày dùng chữ Hán để ghi chép lại tiếng nói của người Kinh, người Tày thì người Dao cũng mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình nên gọi là chữ Nôm Dao.
Người Dao kể lại, tổ tiên của họ từ xưa đã biết sử dụng chữ Nôm để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua, bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ, bài cúng, bài thuốc, câu đối, ghi chép các bài dân ca, truyện thơ, bài hát giao duyên … Đặc biệt chữ Nôm Dao được dùng trong các nghi lễ như lễ cấp sắc, Pút tồng, tranh thờ người Dao chỉ dùng chữ Nôm Dao. Sách chữ Nôm Dao của các thầy cúng sử dụng như một công cụ tâm linh, kiến thức trong mỗi cuốn sách đó mang những giá trị riêng về lịch sử, văn hóa. Các cuốn sách cổ bằng chữ viết Nôm Dao chứa đựng cả kho tàng tri thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, phản ánh quan niệm của người Dao về vũ trụ, lý giải về các hiện tượng tự nhiên, ghi chép gia phả của từng dòng tộc, kể lại quá trình thiên di, tinh thần đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, răn dạy con cháu cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần.
Cuốn sách Nôm Dao chép tay của ông Chảo Vần Chẳn thôn Sài Duần, xã Phìn Ngan được ông gìn giữ từ nhiều thế hệ cha ông truyền lại
Nhiều trí thức người Dao cho đến nay vẫn còn lưu giữ một quyển sách dùng để dạy những người bắt đầu học chữ người Dao, bằng tiếng Dao đó là cuốn “Tam tự kinh” một cuốn sách dành cho người mới học chữ Hán của hệ thống giáo dục Nho giáo thời xưa ở Việt Nam. Đây là những chữ Hán dạng phồn thể, được giữ nguyên tự dạng. Người Dao đã Dao hóa cách phát âm các chữ Hán cho gần gũi với tiếng Dao và vẫn giữ nguyên gốc nghĩa của các từ trong sách này. Phiên âm này được đọc theo một cách hoàn toàn khác tiếng Dao sử dụng trong cuộc sống thường ngày, nên chữ Nôm Dao phải được thày truyền dạy, phải học trong thời gian dài mới có thể lĩnh hội hết được. Và trong quá trình giao thoa văn hóa, người Dao cũng tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Kinh, nhưng được Dao hóa bởi lẽ có nhiều từ và khái niệm mà tiếng Dao không thể hiện hết được. Điều đó đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng cho ngôn ngữ Dao.
Chữ Nôm Dao ở Bát Xát thường được viết tay thành sách trên giấy bản, giấy dó, viết trên vải. Số lượng thư tịch cổ còn lại là các sách thiên văn, địa lý, sách cúng, gia phả…Ở Bát Xát sách chữ Nôm Dao được các gia đình người Dao lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ theo tục cha truyền, con nối, hiện tại số lượng người đọc được cũng không nhiều. Những người hiểu được chữ Nôm Dao đa phần là các thầy cúng hoặc bộ phận trí thức cao tuổi người Dao.
Ông Chảo Duần Liềm thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo gìn giữ cuốn sách Nôm Dao cổ do cha ông để lại.
Tuy nhiên, người Dao sớm có ý thức bảo tồn chữ viết của dân tộc mình, xưa kia các gia đình, dòng họ người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu vào dịp đầu xuân năm mới. Người Dao quan niệm đây là thời điểm vạn vật sinh sôi, nảy nở, con người trí tuệ minh mẫn dễ tiếp thu những giá trị tinh hoa. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người. Những năm gần đây, do ý thức được việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chữ viết Nôm Dao mà nhiều thầy cúng, những người biết chữ Nôm Dao đã truyền lại cho thế hệ trẻ trong cộng đồng, những người yêu thích và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc Dao vào tất cả các thời điểm trong năm, nhất là những lúc nông nhàn. Điển hình như ông Chảo Láo Chiếu thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành: Ông Chảo Láo Chiếu sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa giàu bản sắc của người Dao, thuở bé, ông Chiếu được ông nội và bố truyền dạy cho chữ Nôm Dao và nhiều tri thức dân gian của dân tộc mình. Quá trình học tập kéo dài gần 17 năm, ông đã lĩnh hội đủ các các triết lý, nội dung sách dạy chữ, dạy làm thầy và học được nhiều bài hát dân ca, nhiều bài khấn trong sách cổ. Với bề dày kiến thức tích lũy được qua quá trình học tập, nghiên cứu, ông Chiếu được cộng đồng người Dao trong và ngoài xã tin tưởng, mời đến giúp thực hành nghi lễ giải hạn, cúng tổ tiên, gọi vía và cầu phúc cho các thành viên trong gia đình, dòng họ. Đứng chủ chân nhang các lễ cấp sắc, lễ khai quang bộ tranh thờ Tam Thanh của người Dao Đỏ, truyền dạy chữ Nôm Dao, dạy hát Páo Dung…Trong hơn 35 năm làm thầy, ông đã truyền dạy cho 520 học trò. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, tại nhà Ông Chảo Láo Chiếu lại diễn ra các lễ trao truyền, giáo dục ý thức tu luyện đạo đức, lối sống…Đàn ông, con trai thì luyện chữ, đọc sách; Phụ nữ và các em nhỏ thì học hỏi các nghi lễ làm người, làm mai mối, học hát giao duyên… Hiện nay ông Chiếu đang nắm giữ nhiều bộ sách dạy học chữ Nôm Dao, sách cấp sắc, giải hạn, xem ngày tốt xấu, các bước tổ chức lễ cấp sắc từ 3 đến 12 đèn. Năm 2021 ông được công nhận “Nghệ nhân dân gian” và đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của người Dao ở xã Tòng Sành. Cũng như ông Chiếu người Dao ở một số xã đều ý thức cao việc bảo tồn chữ Nôm Dao và tổ chức truyền dạy cho người trẻ như các ông Chảo Duần Liềm ở thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, ông Vàng Duần Phù ở xã Dền Sáng, ông Chảo Vần Chẳn thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan…
Nghệ nhân dân gian Chảo Láo Chiếu xã Tòng Sành giới thiệu, hướng dẫn vẽ bộ tranh thờ của người Dao và truyền dạy chữ Nôm cho học trò
Chữ viết của dân tộc Dao là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời gian qua, Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm việc bảo tồn, phát triển chữ Nôm Dao, đặc biệt khuyến khích những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao truyền bá những tri thức đang được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một, đồng thời khuyến khích con em dân tộc Dao yêu thích văn hóa của cha ông trong việc học tập, lưu giữ những tri thức do ông cha truyền lại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ của người Dao làm cơ sở cho việc lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của di sản này; đồng thời khảo cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu cao quý “Nghệ nhân dân gian” góp phần vào việc bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của người Dao nói chung và bản sắc văn hóa của người Dao ở huyện Bát Xát nói riêng.
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ PTDL HUYỆN