DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỄN MẪU TRỊNH TƯỜNG

Đền Mẫu hay còn gọi là Đền Mẫu Trịnh Tường là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Bát Xát nói riêng, cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung. Ngôi đền là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, những thay đổi và phát triển của tỉnh Lào Cai trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Hiện nay, Đền Mẫu thuộc thôn Phố Mới I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đền được xây dựng trên khu đất bên bờ Sông Hồng, nhìn về phía Nam, với tổng diện tích là 9.245m2, với các hạng mục: Nhà Đền chính, nhà sắp lễ, lư hương, Nhà tả vu, nhà Hữu vu, nhà sắp lễ, hạ lễ; lầu Cô, lầu Cậu; am hóa vàng mã, Đền Trình, Cổng Tam quan. Ngoại thất bao gồm, hồ bán nguyệt, hàng rào, sân bê tông, nhà vệ sinh chung… Năm 2016, Đền Mẫu Trịnh Tường được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngay từ khi mới hình thành, ngôi Đền đã có vị trí chiến lược trong việc án ngữ khu vực đầu nguồn của dòng Sông Hồng từ ngã ba Lũng Pô (Nơi bắt nguồn của dòng Sông Hồng chảy về Đất Việt). Nằm bên bờ Sông Hồng và giáp cột mốc biên giới số 94 (2), ngôi đền là minh chứng củng cố hơn về “Cột mốc tâm linh” của cha ông ta dựng lên nơi vùng biên ải. Cột mốc biên giới linh thiêng ấy chứa đựng những câu chuyện thấm đẫm về tình yêu, những chiến công thầm lặng, sự hi sinh của những người lính biên phòng kiên trung nơi biên cương Tổ Quốc và cũng ngay tại cột mốc số 94(2) đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của quân và dân ta thời kháng chiến chống thực dân Pháp với rất nhiều người chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh vì nền độc lập tự do để chúng ta có ngày hôm nay. Tại địa danh Thác Tây (nay thuộc thôn Phố Mới 2, xã Trịnh Tường) quân dân ta đã bắn chìm nhiều tàu thủy của quân Pháp khi chúng hành quân lên Trịnh Tường. Dấu tích còn lại là những đồn bốt Pháp (nay thuộc thôn phố 2, xã Trịnh Tường); khu nhà Pháp (thuộc thôn Tân Tiến, Trịnh Tường) đó là những minh chứng rõ nét khẳng định sự đô hộ của chúng xây lên để chiếm giữ cai trị nhân dân ta lúc bấy giờ.

Đền Mẫu Trịnh Tường là một dấu mốc văn hóa quan trọng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc nơi biên cương tổ quốc. Việc sửa chữa, tôn tạo ngôi đền đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân xã Trịnh Tường, nhân dân các dân tộc trong huyện Bát Xát nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung về một nơi thực hành các tín ngưỡng dân gian truyền thống của dân tộc luôn hướng về cội nguồn của mình.

Hàng năm, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch là ngày lễ chính, nhân dân các dân tộc, du khách bốn phương lại về với Đễn Mẫu Trịnh Tường. Trong ngày lễ chính, nhân dân sẽ được hoà mình trong không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này khởi nguyên từ ý thức tưởng nhớ tổ tiên, nó xuất phát từ lòng tôn kính, vì sự nhớ ơn, vì sự tin tưởng và cũng vì ảnh hưởng của đạo Mẫu. Thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng thân thuộc, truyền thống đã từ lâu ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt, hình ảnh Mẫu được nhân dân tôn thờ phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nội dung và mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc, còn nguyên giá trị với chúng ta.

Trong Lễ hội Đền mẫu Trịnh Tường hàng năm, nhân dân và du khách còn được hoà mình vào trong không gian văn hoá lễ hội truyền thống, nơi thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát như: trang phục, ẩm thực, các trò chơi dân gian và chút mộc mạc của đồng bào vùng cao biên giới.

Bên cạnh đó, vào ngày 20 hoặc ngày 22/8 (âm lịch) mở tiệc giỗ cha, lễ đền còn tổ chức vào hai dịp thường niên đầu năm và cuối năm. Đầu năm từ rằm tháng giêng đến ngày 21 tháng giêng làm lễ giải hạn, hầu đồng, trước 30 tết tổ chức cúng tạ cuối năm. Cũng như các di tích thờ Mẫu khác, Đền Mẫu Trịnh Tường thể hiện được toàn bộ những nét chung trong tục thờ Mẫu của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Sự xuất hiện và tồn tại của đền Mẫu Trịnh Tường ở Bát Xát – Lào Cai nhằm ca ngợi và tôn vinh vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Trong dòng chảy của thời gian, quá trình hình thành và hoàn thiện của di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu Trịnh Tường mang đầy đủ các giá trị về lịch sử, kinh tế du lịch, thẩm mỹ, văn hoá và an ninh quốc phòng.

Với lịch sử hàng trăm năm, Đền Mẫu Trịnh Tường gắn liền với những giá trị lịch sử của dân tộc, là cột mốc biên giới linh thiêng, là nơi ghi dấu những trang lịch sử hào hùng của địa phương, của dân tộc mà ông cha ta đã hy sinh biết bao sương máu để bảo vệ Tổ quốc. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ Huyện Bát Xát có ghi lại: “10 giờ sáng ngày 19-8-1886, đoàn thuyền của Pháp vượt Thác Tây, định ghé vào bờ thì sa vào trận địa phục kích của họ Thào. Hai tên trung úy chỉ huy cùng 11 tên lính khác bị tiêu diệt, các thuyền sau bỏ chạy. Đây là trận thiệt hại nặng nhất của Pháp ở bờ hữu ngạn Sông Hồng”.

Dọc theo sông Hồng có hệ thống di tích của tỉnh Lào Cai từ lâu đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan như: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Đôi Cô, thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Ngược theo Sông Hồng, huyện Bát Xát, có di tích Đền Mẫu Trịnh Tường – Ngôi Đền nằm ngay trung tâm xã và sát đường vành đai biên giới, giao thông thuận lợi, phục vụ tốt cho việc đi lại của du khách tới tham quan. Đặc biệt, đền Mẫu còn nằm trên tuyến du lịch thành phố Lào Cai – Bát Xát – Sa Pa, tạo thành chuỗi các điểm liên kết kéo dài và mới đây đã được tỉnh Lào Cai quy hoạch tuyến du lịch mới TP Lào Cai – Mường Hum – Sàng Ma Sáo – Y Tý – Bát Xát. Đây sẽ là loại hình du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bát Xát.

Bát Xát – miền đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, với những nét độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, Bát Xát còn ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì. Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng, văn hóa làng nghề. Nhiều đoàn khách đã dành thời gian tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các làng, bản ở Bát Xát. Vì vậy, hàng năm, Đền Mẫu Trịnh Tương thu hút được hàng chục ngàn lượt khách tham quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử quý báu mà còn bởi giá trị thẩm mỹ của ngôi đền. Đền Mẫu Trịnh Tường thể hiện được cái đẹp, tạo nên ấn tượng cho du khách tới tham quan. Ngôi Đền nhìn về hướng đông Nam, toạ lạc gần bên bờ Sông Hồng, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông hòa hợp nên vừa là di tích lịch sử văn hóa, nơi đây vừa là thắng cảnh đẹp của tỉnh, vẻ đẹp toàn bộ kiến trúc của ngôi Đền cùng với môi trường yên tĩnh, không gian thanh tịnh.

Nằm ở vị trí khu vực biên giới, nơi địa đầu của tổ quốc nên mặc dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Mẫu Trịnh Tường không những trở thành cột mốc biên giới linh thiêng được nhân dân, du khách thập phương trong và ngoài nước tới viếng thăm, thắp nhang thờ phụng, mà còn là cột mốc văn hóa tâm linh vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đền Mẫu đã khẳng định rõ chủ quyền lãnh thổ của Quốc gia, đây là một cột mốc biên giới vô cùng quan trọng mà biết bao thế hệ đã từng gìn giữ bảo vệ. Đây cũng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Lào Cai nói riêng. Các thế hệ chúng ta hôm nay cần tuyên truyền, giáo dục truyền thống về tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp, giang sơn mãi mãi vững bền.

Cùng bàn về sự linh thiêng của ngôi đền, có nhiều sự tích rất ly kỳ, tưởng chừng như bình thường, nhưng không thể xem nhẹ yếu tố linh thiêng của ngôi đền. Những câu truyện liên quan đến đền Mẫu mà dân gian truyền lại đều mang những yếu tố tâm linh sâu sắc. Tuy là ngôi đền ở địa bàn miền núi, nơi biên giới Việt – Trung, thế nhưng, hàng năm vẫn có rất nhiều người từ các miền xa xôi đến đây chiêm bái. Đối với người dân ở Trịnh Tường và các vùng lân cận, họ luôn tôn kính, tin tưởng về sự linh thiêng ở ngôi đền. Họ thành tâm gìn giữ và bảo quản ngôi đền như tài sản của gia đình mình, như một giá trị cốt nõi ăn sâu vào tiềm thức.

 Đền Mẫu Trịnh Tường là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu linh thiêng và ban phước lành cho nhân dân. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngày nay Đền Mẫu mở cửa đón khách thập phương về dâng hương cầu phúc, cầu tài, cầu lộc. Đến với Đền Mẫu mọi người như được trở về với quá khứ lịch sử, nhớ về cha ông suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là ý niệm là tâm linh, tư tưởng yêu nước, sự biết ơn những người có công với nước với quê hương xuyên suốt lịch sử. Đó là truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong mọi hoàn cảnh từ xưa cho tới hôm nay./.

                                                                       Trung Hiếu