Xã A Mú Sung là một xã nằm ở cực bắc của huyện Bát Xát, cách trung tâm huyện khoảng 55km. Phía đông giáp hương Dao Sơn, trấn Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và giáp xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát; phía Tây giáp xã A Lù, huyện Bát Xát và giáp hương Mã Yên Để, huyện Kim Bình, châu Hồng Hà (Trung Quốc); phía bắc giáp hương Mãnh Kiều, huyện Kim Bình, Trung Quốc; phía nam giáp xã A Lù, Nậm Chạc, huyện Bát Xát.
Năm 2007, thực hiện chương trình dự án di dân nội tỉnh của Tỉnh ủy Lào Cai, có 13 hộ, 72 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông thuộc thôn La Hờ Súng, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương và 05 hộ, 33 nhân khẩu dân tộc Mông, xã A Lù được điều chuyển đến định cư thành lập thôn Sa Pả; 19 hộ, 112 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông ở thôn Ngải Thầu 1 và Ngải Thầu 2, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương được điều chuyển đến cư trú tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung.
Nói đến Cột cờ – xã A Mú Sung du khách đều biết nơi đây được định danh là “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Lịch sử hình thành cách định danh trên cũng có câu chuyện rất thú vị. Vào năm 1979, sau chuyến công tác lên vùng biên giới phía Bắc, nhà thơ Dương Soái, khi đó là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn đã sáng tác bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Một năm sau, năm 1980, nhạc sỹ Thuận Yến tình cờ đọc được bài thơ và đã quyết định phổ nhạc. Ca khúc này ngay lập tức được nhiều người yêu thích và trở thành bài hát nổi tiếng. Có một chi tiết khác rất trùng hợp là trong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” chính là câu hát “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” và một cách rất tự nhiên khi đối chiếu trên bản đồ quốc gia thì câu hát đã gắn với địa điểm là thôn Lũng Pô, thuộc xã A Mú Sung – nơi có cột cờ Lũng Pô và cột mốc 92 thuộc địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Lũng Pô còn là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt Nam – Trung Quốc.Tiếng địa phương gọi là Long Pò, tên con suối được dịch nghĩa là Rồng Cha, uốn dài từ dải Hoàng Liên trùng điệp, mang con nước từ rừng núi hòa vào sông Hồng.Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.Cột mốc nằm ngay ngã 3 Lũng Pô. Cột mốc này gồm có 3 cột: mốc 92(1) nằm ở phía Việt Nam; mốc 92(2) và mốc 92(3) nằm trên bờ sông của lãnh thổ Trung Quốc. Đây là điểm du khách hay đến để checkin đánh dấu mốc đặc biệt – nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt. Điểm đặc biệt ngã ba sông là dòng nước thẳng màu đỏ là con sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống, dòng xanh là suối Lũng Pô chảy ra và nơi hai dòng nước “giao duyên” thì dòng nước chia thành đôi màu xanh và hồng tạo nên một bức tranh của tự nhiên vô cùng độc đáo. Cũng chính từ đây, sông Hồng bắt đầu hành trình trở về biển Đông của mình trên lãnh thổ Việt Nam.
Không chỉ là điểm đánh dấu “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” mà Lũng Pô còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn, nơi những người lính biên phòng đã cùng với người dân nơi đây chiến đấu anh dũng, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979. Để tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc và tưởng nhớ những chiến công thầm lặng, sự hy sinh của những người lính kiên trung, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã đề xuất ý tưởng về việc xây dựng công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại vị trí cột mốc biên giới 92, với kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Đây được xác định là công trình thanh niên, vừa để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là công trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Công trình cột cờ Lũng Pô được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016 hoàn thành ngày 16/12/2017, do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư. Để thi công công trình, Tỉnh đoàn đã huy động và hiệu triệu tuổi trẻ toàn tỉnh xây dựng “Công trình Thanh niên cột cờ Lũng Pô” uy nghi với quốc kỳ cờ đỏ sao vàng bay phấp phới ngay tại vùng đất thượng du ngã ba sông biên giới. Cột cờ cao 41m, phần thân 31,43m mô phỏng tỷ lệ tương ứng với chiều cao 3.143m của đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương; lá cờ diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Lào Cai yêu thương. Đứng trên đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy quang cảnh nơi ngã ba sông, khi suối Lũng Pô nhập vào dòng chảy của sông Nguyên Giang từ Trung Quốc, trở thành sông Hồng trên đất Việt. Trên phần diện tích hiện tại, cột cờ Lũng Pô gồm cột cờ chính cùng phần ngoại cảnh với các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe, tường rào bao quanh rộng rãi và căn nhà lưu niệm chuyển đổi công năng từ nhà công vụ của biên phòng.
Cột cờ Lũng Pô là điểm đến quan trong trong tuyến du lịch biên giới dọc sông Hồng: từ Đền Thượng (Thành phố Lào Cai) – Di tích Đền Mẫu, xã Trịnh Tường – Cột Cờ Lũng Pô. Các tuyến đường từ trung tâm huyện Bát Xát – Bản Vược – Trịnh Tường – A Mú Sung – Y Tý và tuyến đường Trịnh Tường – Phìn Hồ – Y Tý đã cơ bản hoàn thành và đang tiếp tục được tỉnh đầu tư nâng cấp. Do đó Cột Cờ Lũng Pô là sẽ điểm tham quan chính và thu hút du khách của huyện. Ngày 25/1/2019, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 263/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Theo đó, sẽ hình thành một khu du lịch sinh thái, dịch vụ thương mại, văn hóa xã hội mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất Lũng Pô “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với đầy đủ các khu chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Với vị trí chiến lược, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá địa phương điểm Cột cờ Lũng pô đã trở thành điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Mỗi năm, ước tính có hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan điểm du lịch Cột cờ Lũng Pô.
MẠNH LINH – PHÒNG VĂN HOÁ VÀ TT