Thực hiện kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 13/3/2025 của UBND huyện Bát Xát về việc tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025; Căn cứ Quyết định số 1552/QĐ-UBND ngày 17/3/2025 của UBND huyện Bát Xát về việc thành lập Ban tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025. Ngày 20/3/2025, huyện Bát Xát tổ chức họp Ban tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025. Đồng chí Bàn Thanh Thảo – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025 chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh buổi họp
Đền Mẫu Trịnh Tường là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Bát Xát nói riêng, cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung. Ngôi đền là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, những thay đổi và phát triển của huyện cũng như của tỉnh Lào Cai trong suốt nhiều thế kỷ qua. Ngôi đền còn là cột mốc tâm linh, một dấu mốc văn hóa quan trọng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc nơi biên giới Việt – Trung.

Đ/c Phạm Văn Tâm – Trưởng BQL di tích và PTDL báo cáo kết quả công tác chuẩn bị
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện; Lãnh đạo Ban quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện đã báo cáo công tác chuẩn bị, các điều kiện để tổ chức thành công Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025.

Đ/c Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Văn hoá, TT- TT huyện báo cáo
Các thành viên Ban tổ chức Lễ hội cũng đưa ra các ý kiến, góp ý để đảm bảo công tác tổ chức Lễ hội



Kết thúc cuộc họp, Đồng chí Bàn Thanh Thảo – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường kết luận thống nhất một số nhiệm vụ, cụ thể: Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường năm 2025 sẽ được tổ chức trong 04 ngày, từ ngày 04/4/ – 07/4/2025 (tức ngày 07-10/3 Âm lịch) bao gồm nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ cáo yết cầu an, Lễ tế, rước kiệu, ngày hội văn hoá, thể thao, trưng bày không gian văn hoá các dân tộc đặc trưng trên địa bàn huyện, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống,….để phục vụ du khách và nhân dân đến chiêm bái. Trưởng Ban tổ chức Lễ hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ kế hoạch kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 13/3/2025 của UBND huyện chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao.

Tín ngưỡng thờ Mẫu khởi nguyên từ ý thức tưởng nhớ tổ tiên, xuất phát từ lòng tôn kính, vì sự nhớ ơn, vì sự tin tưởng và cũng vì ảnh hưởng của đạo Mẫu. Thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng thân thuộc, truyền thống đã từ lâu ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt, hình ảnh Mẫu được nhân dân tôn thờ phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. Mẫu hướng con người đến cuộc sống thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu bởi vì Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nội dung và mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc, còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay. Qua khảo sát và nghiên cứu các tài liệu liên quan cho thấy rằng đây là một trong những di tích tôn thờ nhiên thần gắn liền với tín ngưỡng Việt Nam, là tín ngưỡng lành mạnh của cả cộng đồng và đây cũng là đặc điểm chung của đạo Mẫu Việt Nam. Cũng như các di tích thờ Mẫu khác, Đền Mẫu Trịnh Tường thể hiện được toàn bộ những nét chung trong tục thờ Mẫu của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Sự xuất hiện và tồn tại của đền Mẫu Trịnh Tường ở Bát Xát – Lào Cai nhằm ca ngợi và tôn vinh vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Đến với Đền Mẫu du khách được trở về với quá khứ lịch sử, nhớ về cha ông suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là ý niệm là tâm linh, tư tưởng yêu nước, sự biết ơn những người có công với nước với quê hương xuyên suốt lịch sử. Đồng thời cũng là truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng tổ quốc ngày càng giàu đẹp, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa cho tới hôm nay.
MẠNH LINH – PHÒNG VĂN HOÁ, KH – TT