LỄ CÚNG RỪNG “ GẠ MA DO” CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ

Dân tộc Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát sống tập trung ở các xã Nậm Pung, Ý Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường. Được biết đến là tộc người có lịch sử hình thành lâu đời, có môi trường cư trú tương đối khép kín, địa hình cư trú cao và phức tạp, nên người Hà Nhì ở Bát Xát vẫn còn lưu truyền được nhiều các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghi lễ cúng rừng “ Gạ Ma Do” được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Hà Nhì.

          Lễ cúng rừng “Gạ ma do” có lịch sử hình thành cùng với lịch sử hình thành và tồn tại của người Hà Nhì trong quá trình lập nên các thôn bản, lễ cúng nhằm mục đích cầu mong thần rừng che chở, bảo vệ cho dân làng, bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là bảo vệ cho cây rừng – nguồn nước đảm bảo cuộc sống no ấm cho người dân. Bao quanh làng bản của người Hà Nhì là 4 khu rừng  gồm: rừng “ Gạ ma do”- nằm ở vị trí cao nhất, rừng “ Thu tỷ” – nằm ở vị trí cuối thôn bản; Khu rừng “ Mu thu do “ – nằm ở vị trí ngang thôn bản; khu rừng “ a gơ lạ do” – nằm ở phía dưới khu rừng “ Gạ ma do”. Trong đó, khu rừng cúng “Gạ ma do” được coi là quan trọng nhất vì đây là rừng thờ thần hộ mệnh của cả thôn. Vị trí của khu rừng nằm ở phía trên thôn đầu làng, từ đây có thể nhìn bao quát toàn thôn, cũng chính vì vậy nên các gia đình không được làm nhà vượt qua rừng thiêng và cũng cấm mọi người vào rừng thiêng vào các ngày bình thường trong năm, mọi cây gỗ khô cũng không ai được vào lấy. Hàng năm chỉ đến ngày Thìn tháng giêng khi tổ chức lễ cúng thần rừng, các chủ gia đình là đàn ông nam giới theo thầy vào rừng hành lễ. Cũng trong ngày đó, người dân trong thôn mới được phép và được quyền xin chặt lấy cây gỗ làm cán dao, cán cuốc, vai cày…với mong muốn có được vật dụng lao động sản xuất tốt hoặc xin chặt gỗ về dựng nhà.

Khu rừng thiêng Gạ Ma Do  của người Hà Nhì – Ảnh: Dương Toản

Lễ cúng rừng “Gạ ma do” được người Hà Nhì ở huyện Bát Xát duy trì tổ chức vào ngày Thìn tháng giêng âm lịch hàng năm. Điều đặc biệt của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát là cho dù thôn, làng đó có đông dân hay ít dân, bất kể là người dân trong làng đó dù có nghèo khổ hay khá giả, thì cứ đến ngày lễ chính là toàn thể dân làng cùng đóng góp tiền của, mua sắm lễ vật lợn, gà và bỏ công sức để tổ chức lễ tại rừng thiêng. Mọi người đồng lòng đoàn kết cùng nhau tổ chức và tiến hành các nghi thức theo sự hướng dẫn của 2 ông thầy cúng “Gạ ma à guy” – là người chủ trì lễ cúng và cai quản các khu rừng cấm. Tiêu chuẩn lựa chọn thầy cúng của người Hà Nhì khá đặc biệt, những người này phải là người am hiểu phong tục tập quán dân tộc, trong 3 năm liền gia đình không có người chết vì tai nạn hoặc chết đột tử, không có người đẻ sinh đôi hoặc có người sảy thai. Nếu một trong hai gia đình của hai ông thầy cúng có biến cố hoặc là trong gia đình có người thân vừa mất, thì năm đó người ta sẽ tiến hành bốc thăm để lựa chọn người khác để thay thế. Thầy cúng cũ và các già làng cùng nhau họp để lựa chọn những gia đình trong sạch tham gia vào quá trình bốc thăm làm thầy cúng mới. Sau khi lựa chọn xong, những người không được tham gia bốc thăm sẽ là người chuẩn bị đất đỏ, thầy cúng cũ vào rừng cấm xin thần linh ở rừng cho hái một chiếc lá ở khu vực hành lễ cúng rừng, sau đó cấu đầu cuống lá và đuôi lá đem để vào hai hòn bi đất, số bi đất được để vào trong 1 cái sàng cho mọi người bốc thăm, nếu ai bốc được hòn bi có cuống lá thì được làm thầy chính, ai bốc được hòn bi có đuôi lá làm thầy phụ. Sở dĩ có 2 ông thầy cúng bởi Người Hà Nhì đen quan niệm trong mọi nghi lễ thực hành với thần linh bao giờ cũng phải có một đôi thầy cúng, đôi thầy này tượng trưng là một cặp vợ chồng, một người làm thầy chính (đóng vai chồng) và một người làm thầy phụ (đóng vai vợ). Người làm thầy chính có tiếng nói và quyền uy cao nhất, quyết định mọi chuyện liên quan đến nghi lễ với thần linh và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thờ cúng chung của cộng đồng cũng như trong tổ chức lễ cúng rừng “Gạ ma do”.

Lễ cúng rừng “Gạ ma do” nằm trong chuỗi các nghi lễ, nghi thức diễn ra trong 5 ngày từ ngày Dần và kết thúc vào ngày Ngọ  trong tháng giêng của người Hà Nhì. Các nghi lễ gồm Lễ cúng cấm bản “ Ga tu tu” diễn ra vào ngày Dần đầu tiên của tháng Giêng. Mỗi gia đình cử một thành viên là nam giới tham gia vào lễ cấm bản. Lễ cấm bản được tổ chức hết sức tôn nghiêm. Lễ vật gồm 1 đôi gà trống mái, một con chó, rượu, muối… Sau lễ cúng, mọi người cùng căng dây báo cấm trên các con đường chính dẫn vào bản. Họ cho rằng làm như vậy sẽ cấm được các loại ma xấu vào làm hại dân bản. Người bản khác, người ở nơi xa đến không được vào bản, bởi nếu vào bản, con ma xấu sẽ theo vào. Nếu ai cố tình vào sẽ bị cả làng bản phạt vạ theo quy định trong hương ước của làng bản. Buổi sáng ngày Thìn sẽ diễn ra lễ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, sau đó đại diện các gia đình trong bản mang lễ vật gồm 1 đôi gà, kẹp xôi màu vàng, rượu, hương….ra đầu nguồn nước của bản để làm lễ cúng Thần nước gọi là “ Lú khù sụ”, nhằm tạ ơn Thần nước đã cung cấp nước sinh hoạt và trồng cấy trong suốt một năm vừa qua, và cầu mong cho năm mới nước vẫn cứ đầy và chảy mãi không cạn trong thôn bản của họ.

Nghi lễ cúng Thần nước “Lú Khù Sụ”

 Sau khi kết thúc lễ cúng thần nước, lễ cúng rừng “ Gạ ma do” bắt đầu từ buổi trưa và kết thúc vào buổi chiều tà của ngày Thìn. Lúc này chủ các gia đình là đàn ông nam giới đã được phân công nhiệm vụ tập trung và xuất phát từ nhà thầy cúng chính “Gạ ma à guy” thẳng tiến lên khu cúng rừng. Tất cả mọi người vận bộ trang phục truyền thống dân tộc áo quần màu chàm đen, khăn đen hoặc nâu cùng tham gia lễ cúng. Hai ông “Khư dù” ( người phụ giúp cho thầy cúng)  chịu trách nhiệm dắt lợn, ôm con gà trống, khiêng chảo cùng với các thành viên khác được phân công từ hôm trước… Đi đầu dẫn đoàn là 2 thầy cúng, sau đến 2 ông “Khư dù”, 2 người khiêng chảo, người dắt lợn, người mang gà và một số người khác mang chậu, mang dao, mang củi cùng đi đến khu rừng cúng để tiến hành lễ cúng. Các đồ lễ cúng đã được thầy cúng chính và 2 ông khư dù chuẩn bị từ trước gồm: 09 chiếc bát; 02 đôi đũa; 02 xôi vàng; 01 cần hút rượu; 01 ống rượu ủ; 02 chiếc ghế gỗ dâng lên để vợ chồng thần rừng ngồi; 01 chiếc bát to; 01 bó hương; 01 coóng đồng nấu nước chè gừng; 01 muôi vầu nhỏ; 01 ống vầu đựng nước. Tất cả để trong 1 cái gùi do ông Khư dù đeo.

 Khi đến bên ngoài rừng cúng, mọi người phải bỏ hết giày, dép đi chân đất vào khu vực trung tâm hành lễ để thể hiện rõ việc tôn sùng thần rừng. Nơi thờ thần rừng “Gạ ma do” được làm ngay tại gốc cây thần thường là cây Sơn tra (cây táo mèo). Khu cúng rộng khoảng 10 m2  chính giữa có kê xếp đá thành hai bậc giống như chiếc ghế tựa dùng làm chỗ ở của vợ chồng thần rừng. Sau khi dọn dẹp vệ sinh khu cúng được sạch sẽ, những người tham gia lễ cúng cùng nhau lật tảng đá to gọi là “Su be tì sí” – hố đựng xương, lông của lễ vật năm trước lau dọn thật sạch để lấy chỗ mổ gà và lợn. Gà mổ thì chỉ lấy tim gan, còn lòng mề không lấy đen chôn tất cả vào hố.  Khi mổ lợn xong, chiếc thủ lợn phải được rạch làm 3 đường. Cằm dưới bổ làm đôi, một đường khác xẻ một ít chỗ mõm lợn do hai ông “Khư dù” làm. Rồi lấy chiếc đuôi cho ngậm ở mõm lợn, dùng lạt cật buộc giữ chỗ mồm ngậm đuôi lại đặt ngửa mõm lên trời trong một chiếc chậu. Theo lời giải thích của người Hà Nhì chiếc thủ lợn ngậm đuôi là tượng trưng cho một con lợn nguyên vẹn, xẻ mõm lợn ra tượng trưng như hoa nở, vui tươi, phấn khởi… với mong muốn thần rừng luôn che chở, bảo vệ bản làng luôn luôn được bình yên, phát triển. Lễ vật cúng thần rừng gồm , 01 thủ lợn ngậm đuôi kẹp xôi vàng là của thần rừng chồng, 01 con gà trống luộc và gói xôi vàng kẹp nhân trứng là của thần rừng vợ.

 Trong khi đó một tốp người khác đã được trưởng làng phân công công việc từ buổi họp làng hôm trước, họ đem dao đi chặt cây vầu về chẻ đan phên báo cấm, đan ba cái để cắm ở ba ngả đường vào làng. Và đan đủ số phên cấm đặt trước đường vào mỗi gia đình. Thời gian đi căng biển báo cấm vào làng bao giờ cũng được làm khi lễ cúng thần rừng vừa kết thúc.

Cây nứa có tấm đan hay còn gọi là “Ta Leo” (biển cấm vào rừng)

Sau khi chuẩn bị và bày xong lễ vật trên mâm, hai thầy chúng ăn mặc chỉnh tề, cùng nhau tiến hành các nghi lễ dâng lễ vật cúng vợ chồng thần rừng. Thầy cúng chính bao giờ cũng đứng bên tay phải, thầy cúng phụ bên tay trái. Hai thầy cúng lần lượt thực hiện việc hành lễ. Khác với các dân tộc khác thường lễ bằng văn khấn, người Hà Nhì thực hành nghi lễ với thần linh họ chỉ diễn tả bằng hành động. Hành động đó là việc chắp hai lòng bàn tay và cúi mình qùy lạy trước mâm lễ của thần linh, tất cả được lặp đi lặp lại 3 lần. Sau khi 2 thầy cúng xong, lần lượt các thành viên khác có mặt tại khu rừng đều trở về khu trung tâm cúng chỉnh trang lại trang phục cho gọn gàng để cúng thần rừng. Sau khi cúng, các thành viên khác đều về đông đủ lạy tạ cảm ơn thần rừng xong thì thầy cúng chính lại gần chỗ cúng để lấy phần và chia lộc thần cho các thành viên tham dự lễ cúng. Ý nghĩa của việc chia lộc thần nhằm mục đích cầu xin được sức khoẻ, gặp nhiều may mắn, bản làng được yên ổn, cầu xin thần che chở cho dân bản tránh được những điều xấu, tránh được các dịch bệnh làm hại cho con người và vật nuôi cây trồng.

Các thành viên tham gia buổi lễ đến quỳ lạy trước thần rừng

Hai thầy cúng chính chia lộc của thần rừng cho đại diện các gia đình

Hai ống xương đùi của con gà lễ sẽ được để xem bói đoán vận hạn của làng trong năm đó tốt hay xấu: nếu ở trong ống có màu đỏ và mỗi ống xương hai lỗ cắm được tăm (tổng cộng có bốn lỗ) mà cân đều nhau đó là điềm báo năm đó bản làng yên ổn, người dân làm ăn gặp nhiều may mắn, con mạnh khoẻ, vật nuôi phát triển tốt, cây trồng đơm hoa kết trái; Trường hợp hai ống có hai lỗ, năm đó làm ăn bình thường; Trường hợp hai ống xương chân gà chỉ có một lỗ cắm tăm, hoặc có ba lỗ hoặc không có lỗ cắm tăm nào thì điềm báo rất xấu, vợ chồng thần rừng quở trách năm đó làng có nhiều người bị chết, chăn nuôi bị dịch bệnh, hoa màu, lương thực bị mất mùa. Sau khi thầy cúng xem bói chân gà xong sẽ thông báo cho toàn thể dân làng biết, nếu điềm xấu mọi người phải kiêng, làm gì cũng hết sức cẩn thận để phòng những trường hợp xấu xảy ra như: đánh nhau, cháy nhà, cãi chửi nhau, mất trật tự trị an làng xóm, bị mất cắp trộm…

Ngay sau phẩn lễ ở rừng kết thúc chuyển sang phần hội là bữa ăn cộng cảm của cả cộng đồng cùng nhau chia lộc thần ban phát cho mỗi người một gắp thịt để lấy may. Người ta sẽ sắp thành các mâm ngồi 6-8 người một mâm quanh khu vực hành lễ để ăn uống. Trước khi vào ăn, hai ông thấy cúng thông báo cho những người tham gia lễ cúng về những quy ước của làng để mọi gia đình thực hiện và làm theo như: cấm chặt cây xanh ở rừng nào, rừng nào được lấy củi, thời gian thu hoạch, chăn thả gia súc; làm đường đi, đào mương nước, đắp đập, ngăn suối; chống trộm cướp; giữ gìn trật tự an ninh làng bản… Ai làm trái hoặc không thực hiện sẽ bị phạt gà, lợn, vịt, gạo, rượu, bạc trắng, làm đường… mọi người đều phải nghiêm túc thực hiện, người vi phạm không kể thân quen, chức vị đều bị xử phạt như quy định, hương ước của thôn.

Các thành viên tham gia lễ cúng thụ lộc của thần rừng Lễ cúng rừng “Gạ Ma Do” gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển cùng với đời sống tinh thần, tín ngưỡng tạo nên sắc thái văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hà Nhì ở Bát Xát. Tín ngưỡng thờ thần tự nhiên ( thần rừng, thần nước…) thờ ở gốc cây (thần cây) được coi là cây vũ trụ- là cầu nối giữa đất- trời, giữa âm- dương, giữa những con người đang sống với những người đã mất. Việc tổ chức lễ cúng rừng “Gạ ma do” hàng năm của cộng đồng người Hà Nhì ở huyện Bát Xát không chỉ có giá trị lịch sử mà nó còn mang đậm tính giáo dục nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, ôn lại lịch sử truyền thống của dân tộc, đặc biệt là giáo dục giới trẻ ý thức gìn giữ nguồn nước, giữ rừng, rừng thiêng, rừng đầu nguồn của dân tộc. Thông qua lễ cúng rừng các giá trị văn hóa, lịch sử cũng được trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, bởi vậy người dân Hà Nhì luôn có ý thức trách nhiệm để duy trì tổ chức lễ cúng hàng năm. Chính ý thức của người dân và tập quán, tín ngưỡng của lễ cúng rừng tạo nên sự đa dạng và thống nhất góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Bát Xát nói chung. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc đó, lễ cúng rừng “ Gạ Ma do” của người Hà Nhì đen huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016.

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ PTDL HUYỆN