Mường Vi là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, cách trung tâm thị trấn Bát Xát khoảng 16 km. Là vùng đất có thung lũng rộng lớn với nhiều đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Dân cư sống tập trung với đa dạng về dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Dao, Giáy… tạo nên sự đa dạng về truyền thống văn hóa. Người dân nơi đây sống chủ yếu là nghề nông nghiệp cấy lúa 2 vụ chính là vụ Đông Xuân và vụ Hè thu. Với vùng đất phì nhiêu màu mỡ, khí hậu thuận lợi, ký thuật canh tác cao nơi đây nổi tiếng với sản phẩm lúa séng cù – là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ngoài đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng nhiều dãy núi đá vôi trùng điệp sừng sững tạo thành một thành một quần thể hang động rộng lớn gọi là quần thể hang động Mường Vi. Quần thể động Mường Vi gồm 4 động được phân bố ở 2 quả núi đá vôi gần nhau. Hai quả núi này có hình thù khá giống nhau, hai quả núi nằm ở vị trí thấp, địa thế đẹp, phần giữa đỉnh núi trũng xuống tựa hình chiếc yên ngựa nơi đây chứa đựng nhiều sự tích và huyền thoại dân gian, hấp dẫn , gắn bó với đời sống sinh hoạt văn hoá, đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy. Quả núi bên phải là núi Cô Tiên tức là “ Po Siên” theo tiếng Giáy, uy nghi sừng sững đó là một thế trận quan trọng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Thực tế Lịch sử đã xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt và anh dũng của quân và dân địa phương trong chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979. Sát đó là một quả núi không cao lắm hình thù tròn,cuối quả núi này ăn sang 1 xã khác đó là xã Pa Cheo. Núi này là nguồn cung cấp mây cho việc chế biến sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của tỉnh Lào Cai do đó đồng bào ở đây gọi là ” núi Mây” tức ” Povai”.
Quần thể hang động Mường Vi gồm có 4 hang động là Ná Rin, Cám Rang, Cám Rúm và Cám Tẳm. Động Ná Rin là Động lớn được người dân địa phương phát hiện vào tháng 4/1997 nên cảnh quan trong động vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Sở dĩ có tên Ná Rin là vì ngay sát đó là một cánh đồng lớn chủ yếu là ruộng bậc thang, đan xen vào những thửa ruộng bậc thang đó là những phiến đá rộng khá phẳng nên dân địa phương gọi là “Ná Rin” tức là “ruộng đá”. Động Ná Rin được hình thành trong lòng 1 quả núi đá vôi kéo dài trên 3km kéo dài từ xã Mường Vi sang xã Bản Xèo. Động Ná Rin có 2 lối vào rất gần nhau, một lối đi theo đường suối chảy,cửa này nhỏ và có nhiều đá tai mèo xếp chồng lên nhau. Khi vào phải lách qua 1 khe đá nhỏ vào phía trong là suối nước khá rộng. Lối thứ 2 có cửa khá cao l,8m rộng 2,4m cách cửa dưới 17m cửa này vào sâu và tụt xuống 1 thềm đá cao 4m thì gặp đường vào cửa một. Từ cửa động vào 20m là nơi con suối ăn ra hướng khác và chảy ngầm ra cửa động, do đó mà ở đây có tiếng ầm ầm vang dội như tiếng sấm. Tiếp tục đi sâu vào trong động cảnh sắc càng trở nên lộng lẫy kỳ thú với rất nhiều nhũ thạch màu ánh bạc trong suốt đan xen vào nhau giống như những bức bình phong đơn giản về kiểu dáng nhưng toát lên vẻ đẹp sang trọng và nguyên sơ. Ở mỗi đoạn trong động các nhũ đá ở đây lạicó hình thù khác nhau, khi thì giống như dải áo cà sa với những nếp gấp chảy dài xuống đều đặn; có nhũ đá lại giống như bầu sữa mẹ đang thời kỳ cho con bú; có những khối nhũ đá có hình thù như mâm ngũ quả với các loại quả ngày tết được sắp xếp và bố trí rất đẹp mắt và hợp lý. Đặc biệt có những đoạn nhìn như những tràn ruộng bậc thang với 14 bậc nhỏ nối tiếp nhau trên một phiến đá rộng 2,5m dài 3,8m. Trong các thửa ruộng đó có những đám bột đá nhỏ ly ti trong suốt như sương muối. Dân địa phương gọi ruộng này là ” Ná Siên” nghĩa là ruộng tiên. Động Ná rin có một đặc điểm cứ tới 1 đoạn động nhỏ hẹp vòm thấp là lại tới 1 đoạn động rộng, vòm động cao có nước chảy róc rách, có những đoạn vòm hang cao tới 9m chia thành 2 tầng khá rõ dệt, mỗi tầng đi theo một hướng khác, tầng bên phải hướng đi men theo vách động đường khá rộng tầng này kéo dài trên 25m uốn lượn, nơi đây có những mảng nhũ đá lớn và rất đẹp nối tiếp nhau đan xen vào đó là những đường rãnh nhỏ và dài, đầu các nhũ đá là những giọt nước trong suốt và tinh khiết. Tầng bên trái là một ngách động nhỏ và ngắn có độ sâu là 23m, hai bên vách động toàn là nhũ đá bám vào nhau kéo dài xuống nền động như những chiếc màn gió tuyệt đẹp. Nhìn chung động Ná Rin là một động lớn, có chiều sâu khá lý tưởng, lòng hang động rộng tạo ra sự thông thoáng, thoải mái cho du khách đến tham quan. Đặc biệt hang động có nguồn nước chảy nên nhiệt độ trong động khá thấp tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu., khiến cho du khách tham quan không muốn ra ngoài.
Khác với động ” Ná Rin”, động Cám Tẳm được phát hiện đã lâu và gắn bó với đời sống sinh hoạt văn hoá, đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy Mường Vi. Do động này có vị trí thấp ngay sát dưới chân núi nên dân địa phương gọi là ” Cám tẳm” tức là “Động thấp”. Vòm động cao tới 7m rộng tới 9m cửa động này bằng phằng và hơi lõm xuống ở đoạn giữa hình lòng chảo. Động này không nhiều nhũ đá như động Ná Rin nhưng nó lại mang dáng vẻ khác lạ và độc đáo riêng. Nằm rải rác trong động là những đám nhũ đá trắng trong với những giọt nước trong suốt đậu ở mỗi nhũ đá. Các đám nhũ đá mang nhiều hình dáng của những đồ dùng sinh hoạt của người Giáy như những chiếc nậm rượu, những chiếc tàu ngựa….Đặc biệt trong lòng động có cây tháp lục lăng rất lớn bằng đá thạch anh có độ cao 3,6m chu vi 4m đứng sừng sững giữa lòng động tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng. Động Cám tẳm được người dân nơi đây suy tôn là động thần bởi nơi đây chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh thần thánh. Theo người xưa kể lại rằng, trước đây động Mường Vi ( cụ thể là động Cám Tẳm) là nơi ở của 9 nàng tiên xinh đẹp, các nàng thường xuống giúp bà con làm mùa. Hang động có rất nhiều đồ dùng sinh hoạt như: bát đũa, ấm chén, xoong nồi… bằng vàng bằng bạc rất quý hiếm các nàng tiên mang xuống giúp dân làng. Gia đình nào có việc thì vào hang mượn về dùng, dùng xong phải lau sạch sẽ trả về vị trí cũ. Nhưng tiếc thay vì lòng tham vô đáy, nhiều kẻ mượn xong không đem trả hoặc tráo đổi đồ vàng bạc hoặc không lau chùi sạch sẽ ( vì các nàng tiên rất kỵ thịt chó). Các nàng tiên nổi giận trở về trời không xuống giúp bà con nữa, mọi thứ cũng hóa thành đá, năm đó hạn hán, đói kém. Bởi vậy, hàng năm mỗi khi tết đến bà con dân bản cùng nhau quét dọn trong hang , cùng nhau đóng góp sôi thịt hoa quả, (trừ thịt chó) để làm lễ cúng hang. Lễ cúng này của đồng bào Mường Vi cũng mang ý nghĩa của lễ hội xuống đồng, cầu cho mưa thuận gió hoà , mùa màng tươi tốt, người được phép đứng ra làm lễ thường là già làng và trường bản , hoặc là người có uy tín lớn luôn đi đầu trong mọi công việc trong làng bản. Lễ ở đây được tiến hành đơn giản, ngắn gọn không cầu kỳ. Bởi vì bà con dân bản quan miệm rằng đối với chốn linh thiêng điều cốt yếu cơ bản là sự thành tâm. Ngoài yếu tố huyền tích, động Cám Tẳm còn mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa chiến lược quân sự rất lớn. Nơi đây chính là nơi cất giữ kho tàng lương thực của bộ đội ta trong các cuộc chiến tranh, đồng thời cũng là nơi trú ẩn của bà con trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979.
Cũng chính trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, động Gió được bà con phát hiện khi tìm nơi trú ẩn thêm. Động Gió được bà con địa phương gọi là ” Cám SRúm” bởi vì ở khu vực cửa động có một luồng gió khá mạnh thổi ngược từ trong động ra , về mùa đông luồng gió này rất ấm và dễ chịu, về mùa hè thì gió trở lên mát mẻ, luồng gió này khá mạnh có thể thổi sạch tất cả những chiếc lá cây ở khu vực cửa động. Khác với 2 động trên, động Gió có cửa vào rất nhỏ ( cao 60cm, rộng 80cm) nằm sát chân của một vách đá nhỏ. Đường vào từ cửa động khá dốc đoạn dốc này dài 38m, hai bên là những ngách động nhỏ ăn thông với nhau. Vào sâu hơn là cảnh núi non sơn thuỷ hữu tình được tạo nên bởi những đám nhũ đá mọc san sát. Kế đó là những dòng nước nhỏ ở phía dưới nền động, khi ánh sáng chiếu vào nó trở lên lung linh huyền ảo, những mảng nhũ thạch chạy dài thành những đường viền trên vách giống như viền áo của thiếu nữ dân tộc Giáy nơi đây. Động Gió là động có lượng nhũ đá lớn thứ 2 ( sau động Ná Rin), nhũ đá của động Gió kéo dài suốt từ cửa hang cho tới tận cuối động , chỗ thì thưa, chỗ thì dầy, lại có nhiều hình thù kỳ lạ.
Động cuối cùng trong quần thể hang động Mường Vi là động Trên hay còn gọi là động Cám Sang cũng có rất nhiều phong cảnh đẹp, hấp dẫn du khách. Càng đi sâu vào trong động cảnh đẹp và nguy nga, trong lòng động nhũ đá nhiều, chúng
mọc theo nhiều kiểu nhiều chiều, có chỗ mọc từ trên xuống, có đám mọc từ dưới lên, nơi thì xiên ra từ các chỗ nứt của vòm động. Màu sắc của nhũ thạch ở đây cũng phong phú luôn thay đổi theo độ sâu của động . Những mảng nhũ thạch, ấn sâu trong bóng tối nó trở nên lung linh, gợi cảm và quyến rũ khi ánh sáng chiếu vào. Động này không sâu so với các động khác nhưng nó có nhiều điều gắn bó gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Giáy nơi đây bởi đám nhũ thạch tạo nên nhiều hình thù của các đồ dùng sinh hoạt đa dạng, phong phú. Hơn nữa đường vào hang không dốc, lòng động rộng, vòm động cao , thoáng rất thuận lợi cho khách tham quan. Nơi khu chân núi ngay cửa động là một đám ruộng rộng và bằng phẳng, đây là nơi diễn ra các trò chơi truyền thống của bà con dân tộc như ném còn,đánh én, đu quay trong những ngày tết đến. Trước đây trên đỉnh núi của hang động này còn là nơi trú ngụ của những đàn khỉ lớn, cso những đàn lên tới 40 con. Tuy nhiên đàn khỉ phá hoại nương, ruộng nhiều nên người dân đánh đuổi chúng vào sâu trong núi. Mặt khác do tình trạng săn bắn trái phép nhiều nên số lượng đàn khỉ ngày càng ít, ngày nay rất hiếm khi thấy đàn khỉ xuất hiện ở gần khu vực hang động Trên.
Hình ảnh các nhũ đá trong động
Quần thể hang động Mường Vi là quần thể hang động lớn không chỉ có phong cảnh tự nhiên rất đẹp và nên thơ, mà quần thể hang động còn có nhiều đặc thù và giá trị nghiên cứu khác nhau, là nơi chứa đựng kho tàng dân gian phong phú về non nước và con người nơi đây. Đồng thời cũng là nơi tìm hiểu nghiên cứu của những nhà địa chất học. Đặc biệt quần thể động Mường Vi có một giá trị thực tiễn về chiến lược bảo vệ an ninh biên giới, làm giàu đẹp môi trường sinh thái của địa phương. Đây còn là nơi tìm hiểu các giá trị thẩm mỹ, cung cấp nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà nghiên cứu sáng tác về văn học và hội họa. Nơi đây đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nghành khoa học như: văn hóa, môi trường, du lịch, địa chất… nhằm khai thác bảo tồn phát huy các giá trị của di tích phục vụ sự phát triển kinh tế cho địa phương. Với những giá trị lớn về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa…Quần thể động Mường Vi được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 38/QĐ-BVHTT ngày 11/6/199 của Bộ Văn hóa Thông tin.
Các công trình trong quần thể hang động, như đường dẫn vào hang, khu nhà đón tiếp khách du lịch, hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ du khách, đường điện chiếu sáng được nhà nước đầu tư xây dựng. Danh thắng đưa vào hoạt động phục vụ khai thác du lịch đã được nhiều công ty lữ hành hưởng ứng và thiết lập tua du lịch. Tuy nhiên do ý thức của một số người dân và khách du lịch chưa cao sau một thời gian các cảnh quan trong động đã bị tàn phá khá nghiêm trọng, các nhũ đá bị bẻ trộm nhiều. Mặt khác cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông thời điểm đó còn nhiều khó khăn, các tour tuyến điểm du lịch trong huyện chưa nhiều nên chưa thu hút được du khách và các công ty du lịch. Đến thời điểm hiện tại các cơ sở vật chất khu nhà điều hành đã xuống cấp nhiều, lượng khách đến thăm quan rất ít.
Trong những năm gần đây, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện đang được các cấp chính quyền địa phương huyện đặc biệt quan tâm. Các hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ, các tour, điểm đến trên địa bàn huyện đang được dần xây dựng hình thành. Quần thể di tích lịch sử hang động Mường Vi cũng là điểm du lịch được quan tâm, kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới. Chăc chắn quần thể hang động Mường Vi sẽ là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong hành trình tham quan khám phá vẻ đẹp các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bát Xát.
VŨ GIANG – TRUNG TÂM VĂN HOÁ, TT-TT