KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BÁT XÁT – TIỀM NĂNG VỀ DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có diện tích 18.637 ha trên địa giới hành chính của 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Đây là điểm đầu dãy Hoàng Liên Sơn, với các đỉnh núi cao xuất phát từ xã Y Tý kéo dài đến đỉnh Phansipan. Sự đa dạng về địa hình và độ cao hình thành nên tính đa dạng sinh học cho khu vực này. Thời gian qua, nhiều đoàn khách du lịch đang lựa chọn các sản phẩm du lịch thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát để tham quan, trải nghiệm. Chính vì vậy việc bảo vệ cảnh quan, tích cực đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với phát triển rừng bền vững đang tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có hệ sinh thái rừng, hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Tại đây, đã phát hiện được 976 loài thực vật bậc cao, trong đó có 137 loài nguy cấp, quý, hiếm theo chuẩn Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, có 67 loài đặc hữu Bắc Bộ và 38 loài đặc hữu của Việt Nam, như Lan kim tuyến tơ, Hoàng liên gai, Hoàng liên 3 gai, Hoàng liên Trung Hoa, Hoàng liên chân gà… Ngoài ra còn có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị kinh tế như: Bảy lá một hoa, Hoa tiên, Bát giác liên, Na rừng, Thiên lý hương, Thổ hoàng liên, Thông mộc, Lông cu li. Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đang lưu trữ tính đa dạng hệ sinh thái rừng từ á nhiệt đới đến ôn đới núi cao, hệ sinh thái rừng chỉ ghi nhận được tại Việt Nam và duy nhất có ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Đây là khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên.

Một số loài động vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát

Về động vật, hiện tại khu vực này đã thống kê được 173 loài; trong đó thú 42, chim 73 loài, bò sát 20 và lưỡng cư 38 loài. Nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đặc biệt có 18 loài thú, 11 loài chim, 6 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư có trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN và Nghị định 06/2019 của Chính phủ. Ngoài ra, nơi đây còn phát hiện một số loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị bảo tồn cao, các loài này chủ yếu thuộc lớp lưỡng cư gồm: Cóc sừng Hoàng Liên, cóc núi, cóc mày, cóc sừng đỏ, cóc sừng Phansipan… Ở đây đáp ứng được tiêu chí là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất 1 loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, hội tụ đầy đủ giá trị của du lịch sinh thái. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều đỉnh núi cao được xếp bậc nhất, nhì ở Việt Nam, như đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049 m so với mực nước biển, Ky Quan San cao 3.046 m, Nhìu Cồ San cao 2.965 m, Cú Nhù San 2.662 m. Ngoài ra, với nền địa hình thuộc núi cao, có độ dốc lớn lên đã hình thành nên nhiều thác nước đẹp, gần như thẳng đứng và có độ cao, thấp khác nhau trong ranh giới rừng đặc dụng như: Tuyến khám phá Thác đỏ – quần thể thiết sam cổ thụ trên đỉnh Cú Nhù San, di tích Đường đá cổ Pavie, thác Hồng Ngài, thác Tiên…

Rực rỡ mùa hoa Đỗ Quyên

Không chỉ đa dạng hệ động, thực vật, sinh thái, khu vực này còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây như: Lễ hội truyền thống, ẩm thực, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thuyết, dân ca, dân vũ, làng nghề truyền thống,…tại các xã vùng đệm sẽ là những tiềm năng lớn để khai thác và phát huy giá trị văn hóa bản địa độc đáo, di tích lịch sử gắn với phát triển loại hình du lịch văn hóa và du lịch Homestay, hứa hẹn đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trở thành khu du lịch hấp dẫn trong khu vực, đảm bảo kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Trong khu bảo tồn có rất nhiều thác nước đẹp

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có khoảng cách gần với các điểm du lịch trọng điểm trong huyện và các điểm khác trong tỉnh. Đây là những điểm rất thuận lợi cho việc liên kết hình thành các tuyến du lịch cho khách nhiều trải nghiệm và có sức hút lớn đối với du khách. Với những lợi thế về mặt du lịch do thiên nhiên ưu đãi, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, giai đoạn 2022-2030”, nhằm định tạo cơ sở quy hoạch phát triển du lịch toàn diện, làm cơ sở xây dựng quy chế quản lý hoạt động du lịch trong khu vực Khu bảo tồn và triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong tương lai. Qua đó, giới thiệu giá trị đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, văn hóa bản địa, văn hóa lịch sử tới người dân trong và ngoài nước, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai.

Nhiều đỉnh núi cao thu hút khách du lịch

Trong bối cảnh mới hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết  được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Có thể nói, khu vực Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái không chỉ tại 5 xã vùng cao huyện Bát Xát mà còn cả tỉnh Lào Cai cũng như của Việt Nam. Thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái của khu vực như: Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, cùng với những văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương và sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Việc bảo tồn và quản lý di sản thiên nhiên đúng cách không chỉ giữ cho cảnh quan xanh, sạch đẹp mà còn bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường sống cho các loài động vật và thực vật. Từ đó phát triển đa dạng các loại hình du lịch góp phần quan trọng để tạo ra nhiều hơn các sản phẩm du lịch, mang đến đa dạng sự lựa chọn và trải nghiệm hơn cho khách du lịch khi đến với Bát Xát.

QUANG PHẤN – TRUNG TÂM VĂN HOÁ, TT-TT