Di tích danh thắng ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả

Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng Quốc gia tại theo Quyết định số 3437/QĐ-BVHTTDL ngày 12/10/2015. Di tích cách trung tâm huyện Bát Xát 70km và cách thành phố Lào Cai hơn 80km là nơi tập trung nhất, đẹp nhất với quy mô rộng nhất mang nhiều giá trị về vị trí chủ quyền Quốc gia, thuộc địa phận thôn Lao Chải, Choản Thèn, Sín Chải (xã Y Tý) và thôn Phìn Chải (xã A Lù) có diện tích khoảng 233,1 ha. Phía Đông giáp thôn Phìn Chải xã A Lù; Phía Tây Bắc giáp khu vực cầu Thiên Sinh nơi có cột mốc biên giới số 87 thuộc xã Y Tý; Phía Tây giáp với dòng suối Lũng pô cũng là đường danh giới giữa xã Y Tý và A Lù của huyện Bát Xát (Lào Cai) với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Phía Nam giáp thôn Lao Chải và Sín Chải (xã Y Tý)

Ruộng bậc thang có nhiều cách gọi tên khác nhau, theo tiếng Hmông gọi là “Làn đáy”; “Làn” có nghĩa là ruộng, “đáy” nghĩa là bậc thang. Tiếng Hà Nhì gọi là “Sá đa tệ” ; “Sá” nghĩa là ruộng, “đa tệ” nghĩa là bậc thang. Tuy nhiên người Hà Nhì không phân chia rõ tên gọi ruộng bậc thang như các tộc người khác, mà họ chỉ quen gọi với cái tên chung nhất là: “Sá”.

Mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang ở Y Tý

Ruộng bậc thang là một công trình sáng tạo vĩ đại của con người, là thành quả lao động qua hàng mấy trăm năm của những người nông dân cần mẫn, vừa mang tính khoa học vừa mang tính dân gian. Bên cạnh đó, việc khai khẩn ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo và thẩm mĩ. Theo kinh nghiệm của ông cha, để thực hiện việc khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang thì người dân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên phải chọn vị trí khu đất nơi có độ dốc vừa phải, có khả năng tạo mặt bằng, có nguồn nước tưới tiêu để làm mương dẫn nước vào đồng ruộng, đắp bờ be bờ rồi sang công đoạn cày bừa, ngâm thóc giống, chuẩn bị gieo mạ ….những công đoạn này được người dân nơi đây thực hiện một cách thuần thục, nhuần nhuyễn đó là những kinh nghiệm được họ tích luỹ trong quá trình sản xuất nông nghiệp qua hàng trăm năm để thích nghi với môi trường tự nhiên khắc nghiệt nơi vùng núi cao.

Mùa cấy trên những thửa ruộng bậc thang

Xung quanh ruộng bậc thang được bao bọc bởi những dãy núi cao và khu rừng già nguyên sinh cùng các khu làng cổ của người Hà Nhì và người Hmông. Ruộng bậc thang Thề Pả từ lâu đã được đánh giá là một trong số ít những khu ruộng có vị trí đẹp nhất, rộng nhất và tập trung nhất ở khu vực giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc, là công trình “sáng tạo vĩ đại” của tộc người Hmông và Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Đen) ở nơi đây. Ngày 12/10/ 2015, ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia.

Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả là di tích danh thắng quốc gia, hàm chứa rất nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá truyền thống và các giá trị về hệ thống tri thức dân gian. Đồng thời là sự đánh dấu quá trình chuyển đổi của xã hội, sự thích nghi với môi trường tự nhiên của người Hmông, Hà Nhì tích luỹ được trong suốt mấy trăm năm qua quá trình du canh du cư sang định canh định cư, từ chuyên canh cây lúa nước sang cây lúa nương, từ đốt nương làm rẫy sang cày cấy trên những thửa ruộng bậc thang nơi lưng chừng núi. Ruộng bậc thang Thề Pả không chỉ là phương tiện sản xuất nông nghiệp mà còn là di sản văn hoá đặc biệt kết hợp của 4 yếu tố: Nước – rừng – đất – thôn bản, giữa vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo, giữa truyền thống và hiện đại tạo nên vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang kì vĩ và độc đáo như ngày nay .

Người Hà Nhì và người Hmông được coi là những cư dân có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở vùng đất Bát Xát nói chung và khu vực xã Y Tý, A Lù nói riêng. Họ đã trải qua nhiều đời trong việc khai phá và canh tác nông nghiệp bằng phương thức phát nương làm rẫy, khai phá ruộng bậc thang kết hợp với không gian các ngôi làng cổ với những ngôi nhà Trình Tường độc đáo, kiến trúc đơn giản, nhưng chắc chắn, mang đặc trưng của các dân tộc sinh sống nơi vùng cao. Những khu rừng già nguyên sinh rộng ngút ngàn, những dòng suối chảy quanh năm không bao giờ cạn đang trở thành sản phẩm hết sức hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan vào mùa nước đổ và mùa lúa chín.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ

Ruộng bậc thang Thung lũng Thề Pả không chỉ là tài sản, nơi canh tác nông nghiệp của người dân bản địa mà còn mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên và sự kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo, khả năng tư duy khoa học cùng những kinh nghiệm được tích luỹ qua nhiều đời, nhiều thế hệ của người Hà Nhì, người Hmông trong quá trình sống, gắn bó với núi rừng. Do đặc trưng riêng của từng vùng ở Tây Bắc mà mỗi địa phương khác nhau cũng sở hữu những thửa ruộng bậc thang với dáng vẻ đặc trưng riêng. Người Hà Nhì và người Hmông ở Y Tý họ chỉ gieo trồng một vụ lúa duy nhất trong năm, mùa nước đổ ruộng bậc thang Thề Pả thường diễn ra vào tháng 5 – 6 khi những cơn mưa đầu mùa hạ bắt đầu đổ xuống. Những thửa ruộng có thể cấy sớm hoặc muộn tùy theo lượng mưa ở từng khu vực. Đây cũng là thời điểm người nông dân phải tranh thủ “chạy đua” với thời tiết để kịp phủ kín mạ non trên những thửa ruộng. Cùng với sự bao la, hùng vĩ của các thửa ruộng bậc thang kết hợp với những ngôi làng cổ của người Hmông, Hà Nhì – nơi có những ngôi nhà trình tường hình nấm, tường làm bằng đất là nét kiến trúc văn hoá truyền thống tiêu biểu của người Hà Nhì ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và đặc biệt còn chống được thú dữ, mái ngôi nhà được lợp bằng cỏ gianh để che mưa nắng, có một cửa để ra vào nhưng không có cửa sổ lớn mà chỉ có các lỗ thông hơi, mọi sinh hoạt đều nằm trong ngôi nhà ấy.

Không rõ truyền thuyết thực hư như nào, nhưng ở thung lũng Thề Pả bây giờ vẫn còn ba con hổ đá được bà con giữ gìn và bảo vệ, hai con được đặt tại địa phận thôn Choản Thèn ngay dưới đồi nương ngô từ công viên Choản Thèn nhìn xuống, một con còn lại nằm tại ruộng bậc thang Thề Pả thuộc thôn Lao Chải. Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả luôn được coi là tài sản quý giá nhất, được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ. Người ta ví von rằng: quá trình sinh sôi nảy nở của cây lúa giống như quá trình sinh ra của loài người, sinh ra – lớn lên – trưởng thành – già đi. Ai cũng hi vọng rằng điểm cuối của cuộc đời luôn được đầy đủ và sung túc như bông lúa trĩu hạt trên mảnh đất biên cương.

Dựa vào những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng, cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ chính quyền huyện Bát Xát và sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong huyện, ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả đã được thúc đẩy để trở thành danh thắng gắn liền với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, mà đặc biệt là di sản danh thắng ruộng bậc thang; đồng thời xây dựng thương hiệu cho du lịch Bát Xát. Trong tương lai không xa, điểm du lịch này sẽ trở thành điểm đến lý tưởng dành cho du khách trong và ngoài nước.

Hồng Nhung-Tổ QLDL Y Tý, Mường Hum