Lễ hội Khô già già là lễ hội cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì đen, lễ hội thể hiện đặc trưng văn hóa tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, chăn nuôi phát triển và cầu an cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hằng năm, vào ngày Thìn đến ngày Thân đầu tiên của tháng 6 âm lịch, tại các thôn bản người Hà Nhì tại các xã: Nậm Pung, Trịnh Tường, A Lù, A Mú Sung và xã Y Tý của Huyện Bát Xát. Người dân Hà nhì lại nô nức trở về với công viên của làng để cùng nhau tổ chức, tham gia lễ hội Khô già già
Ngày thứ nhất (ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 Âm Lịch – lò no), tất cả các hộ dân trong làng, mỗi hộ cử ra 01 người để cắt cỏ tranh, lợp lại mái lán chung của làng được đặt ở cuối làng (A gơ lạ tró, hay người đa số quen gọi là khu công viên của làng).
Người dân đi lấy cỏ trang để lợp lại mái lán chung của làng
Ngày thứ hai (ngày Tỵ – sế no), tất cả các hộ dân trong làng, mỗi hộ cử ra 01 người đàn ông (thường là chủ hộ) đi đến công viên để mổ trâu, sau đó chia đều thịt trâu và các bộ phận của con trâu cho các gia đình trong làng mang về làm lễ cúng tổ tiên. Riêng phần đầu trâu sẽ giành cho bữa liên hoan chung sau khi làm xong đu quay và đu dây vào ngày thứ 3, hai cẳng trâu sau thưởng cho 02 hộ có công tìm trâu về cho làng năm nay và 02 cẳng trâu trước giao cho 02 hộ sẽ tìm trâu vào năm sau.
Hai ông Trưởng bản, phó bản thực hành nghi lễ cúng
Ngày thứ ba (ngày Ngọ – mò no) là ngày quan trọng nhất, người dân trong thôn cùng nhau tham gia những trò chơi mang đậm yếu tố phồn thực như: Chơi đu dây, đu quay, gọi hồn… Buổi sáng, đàn ông trong làng, không kể già trẻ tập trung tại khu công viên để phân công nhau đi chặt cột đu, lấy dây rừng. Thông thường người lớn đi chặt cột đu quay (À guý) và cột đu dây (A gơ), còn thiếu niên và trẻ em thì được phân công lên rừng tìm Mếc nhí tra (loại dây rừng chắc chắn nhất), tìm được càng nhiều càng tốt. Buổi chiều khi đã đủ cột, dây thì mọi người cùng dựng đu quay và đu dây chung của làng và dọn dẹp sạch sẽ khu công viên. Một Lưu ý là khi đu quay và đu dây vừa làm xong thì tuyệt đối không ai được chơi đu cho đến buổi tối khi già làng, trưởng bản cúng xong dưới chân cột, nếu ai phạm quy này sẽ bị phạt một lít rượu và một cân gà để tạ lỗi với cả làng. Sau khi làm đu xong thì cả làng trở về nhà của một trong hai người đi tìm trâu của năm nay để liên hoan đầu trâu sau một ngày chuẩn bị vất vả.
Hoạt động ẩm thự tại Lễ hội
Tối đến, sau khi cúng xong tổ tiên của gia đình, nhà nhà chuẩn bị Mâm cỗ để mang ra lán công viên để cúng thần, trừ những hộ có “lý lịch” không trong sạch” (nhà có người chết do tai nạn, tự tử hoặc vi phạm quy ước, hương ước,..). Khi mang cỗ đến nơi, hai trưởng bản và phó bản (là 02 chức sắc quan trọng do bà con trong làng bầu ra quán xuyến các công việc của bản làng) sẽ đi đầu trong đoàn cúng tế thần linh tại chân cột đu quay và cột đu dây. Sau khi trưởng bản và phó bản cúng xong, các hộ dân còn lại thay nhau cúng và sau đó di chuyển vào trong nhà lán để uống rượu chúc mừng. Một lúc sau hai ông trưởng bản và phó bản sẽ đại diện cho dân làng là người chơi đu dây và đu quay đầu tiên, trước khi chơi phải đặt một miếng gỗ nhỏ lên đu quay và cho quay 3 vòng, sau đó trưởng bản bắt đầu chơi đu với một câu khấn “Á Gư xú xù, à nhi già gô già xế khó mó lá bì, kha tru kha bi ma, dề truy dề bi mừ (cầu cho trẻ em dài tóc, mùa vàng bội thu, vật nuôi khỏe mạnh). Ngay sau nghi lễ này của hai ông trưởng bản và phó bản thì mọi người trong làng, không kể già trẻ, giá trai đều có thể chơi đu dây và đu quay cùng lời khấn như trên.
Trong khi diễn ra Lễ cầu mùa ở khu công viên thì ở nhà các bà, các mẹ nấu xôi nếp, luộc trứng gà và tìm lấy một đồ vật của mỗi thành viên trong gia đình (có thể là mũ, áo, khăn đội đầu…) để chuẩn bị cho lễ gọi hồn của cả gia đình. Chuẩn bị xong các bà, mẹ sẽ châm một bó đuốc to đi từ nhà ra khu công viên cầm theo các đồ vật của thành viên trong gia đình, vừa đi vừa gọi tên từng người một để gọi hồn vía của mọi người trong gia đình trở về cùng với thân thể của mỗi người.
Xong xuôi mọi nghi lễ thì mọi người sẽ cùng hoà vào không khí của Lễ hội, đàn ông thì uống rượu chúc tụng nhau mọi điều tốt lành, trẻ em thì chơi đu và vái lạy cầu an, nam nữ thanh niên hẹn hò,… Hoạt động vui chơi của lễ hội được tiếp tục duy trì cho đến hết ngày Thân thì kết thúc.
Trò chơi đu dây trong lễ hội
Lễ hội Khô già già của đồng bào dân tộc Hà nhì hàm chứa văn hoá tín ngưỡng, bản sắc tiêu biểu, được trao truyền từ đời này qua đời khác, gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen. Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 19/12/2014, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống. Hiện nay, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm. Năm nay, Lễ hội sẽ diễn ra trong 5 ngày, hoạt động chính tập trung vào các ngày 15-17/7/2024 (tức ngày 10/6 Âm lịch- ngày Canh Thìn đến ngày Nhâm Ngọ tức ngày 12/6 âm lịch) tại tất cả các thôn có người Hà Nhì sinh sống tập trung trên địa bàn huyện Bát Xát.
Mạnh Linh – Xá Xuy