Giới thiệu tiềm năng Du lịch huyện Bát Xát

* Điều kiện tự nhiên

Huyện Bát Xát ‑ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, là địa bàn quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 12 km, g diện tích đất tự nhiên là 103.568,02 ha; Phía Bắc giáp huyện Kim Bình, phía Đông giáp huyện Hà Khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía Nam giáp thị xã Sa Pa, phía Tây giáp huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; có chiều dài đường biên giới với Trung Quốc là 83,894km.

– Địa hình: Cơ bản là đồi núi cao, chia cắt bởi các thung lũng hẹp, sâu, khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và mưa nhiều. Do ảnh hưởng của địa hình nói chung nên đã hình thành 02 vùng địa lý khác nhau:

+ Vùng thấp là nơi tập trung các dải đồi thấp, thoải chạy dọc sông Hồng gồm thị trấn Bát Xát, xã Quang Kim, xã Bản Qua, xã Bản Vược, xã Cốc Mỳ, xã Mường Vi có độ cao trung bình của vùng từ 400 ‑ 500 m. Đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc phát triển nông – lâm nghiệp.

+ Vùng cao gồm các xã: Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường, Bản Xèo, Mường Hum, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ, Dền Thàng, Dền Sáng, Pa Cheo, Phìn Ngan, Tòng Sành, Sàng Ma Sáo có độ dốc cao trung bình từ 20% – 25%, có nhiều thung lũng hẹp, sâu.

– Khí hậu thời tiết:  Bát Xát nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Do ảnh hưởng của địa hình nên được chia thành hai khu vực khí hậu khác nhau:

+ Vùng cao: Do ảnh hưởng của địa hình núi cao, độ chia cắt lớn nên khí hậu vùng núi cao mang tính chất của khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới ẩm. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình cả năm cao nhất 16,6°C, thấp nhất 14,3°C.

+ Vùng thấp: Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

– Thuỷ văn: Hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện khá dày và phân bố tương đối đều.

+ Sông Hồng là nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân dọc ven sông. Nước sông Hồng có hàm lượng phù sa lớn từ 6000-8000g/m3 do đó các vùng đất ven sông được phù sa bồi đắp có độ phì nhiêu màu mỡ thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp.

+ Các suối chính: Trên địa bàn huyện hệ thống suối, khe khá dày mật độ trung bình từ 1-1,5km suối/km2. Các suối chính bao gồm: Ngòi Phát, suối Lũng Pô, Suối Quang Kim, ngòi Đum. Các suối này đều có lưu lượng lớn, dòng chảy xiết thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ.

* Điều kiện kinh tế – xã hội

Huyện Bát Xát có 20 đơn vị xã và 01 thị trấn với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện 17.648 hộ, tổng số nhân khẩu thực tế thường trú 82.940 người; có 176 thôn, tổ dân phố, trong đó có 29 thôn, tổ dân phố biên giới. Bát Xát có 23 dân tộc, trong đó: Mông chiếm 33,79%, Dao chiếm 27,7%, Kinh chiếm 16,3%, Giáy chiếm 15,16%, Hà Nhì chiếm 5,36%, các dân tộc còn lại chiếm 1,69%. Theo kết quả rà soát năm 2023 (chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025): Số hộ nghèo 5.326 hộ = 30,3%; số hộ cận nghèo 3.305 hộ = 18,8%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân năm 2023 đạt: 13,8%; Cơ cấu các ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: 38,8%; Ngành công nghiệp – xây dựng: 28,2%. Ngành Thương mại – dịch vụ – du lịch: 33%; GRDP bình quân đầu người: 67,8 triệu đồng/người/năm; Thu nhập bình quân đầu người: 35,6 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản phẩm thu hoạch/ ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản: 78 triệu đồng/ha (số liệu năm 2023).

Bát Xát có tuyến đường Xuyên Á đi qua, 02 cửa khẩu phụ, 5 tuyến đường bộ quan trọng (quốc lộ 4D, tỉnh lộ 156, 156B, 158, 155) là cửa ngõ kết nối với các địa phương trong vùng, giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh của Tỉnh và cả nước. Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có kết nối với tỉnh lộ 156 tạo cơ hội mở cửa giao thương kinh tế. Việc khởi công xây dựng cầu Bản Vược (Việt Nam) ‑ Bá Sái (Trung Quốc), xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu, giao lưu, trao đổi ngoại thương với châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, các nước Đông Nam Á (ASEAN) qua hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (hành làng kinh tế Đông – Tây).

* Điều kiện để phát triển du lịch

Bát Xát có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, địa bàn có nhiều đỉnh núi cao: đỉnh Pu Ta Leng 3.049m (xã Trung Lèng Hồ); Ky Quan San 3.046m, Nhìu Cồ San 2.965m (xã Sàng Ma Sáo); Lảo Thẩn 2.860m, Cú Nhù San 2.662m (xã Y Tý) và hệ thống các thác nước đẹp như: Thác Rồng, thác Ong Chúa, thác Long Thần Điêu, thác Tiên, thác Đỏ, thác Xanh, thác Thiên Sinh, thác Hồng Ngài, …Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, với những loài hoa đặc trưng như: Hoa Đào rừng (xã Y Tý, Sàng Ma Sáo); nhiều loài hoa Đỗ Quyên quý trong rừng tự nhiên (xã Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Y Tý); vùng trồng hoa Lê (xã Y Tý, Nậm Pung); vùng chè cổ thụ (tại các xã A Mú Sung, Y Tý, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Dền Sáng), Hoa Sơn tra ( tại Y Tý, A Lù). Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (18.637 ha) với đa dạng hệ động, thực vật, sinh thái, khu vực này còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống.

Bát Xát có các di tích danh lam thắng cảnh đã được công nhận như: Di tích Quốc gia Động Mường Vi, Di tích Quốc gia danh thắng ruộng bậc thang thung Lũng Thề Pả; Di tích lịch sử văn hóa ‑ Đền Mẫu Trịnh Tường, di tích Đường đá cổ Pavie xã Sàng Ma Sáo được xếp hạng di tích cấp tỉnh và 6 điểm du lịch cấp tỉnh.

Đặc biệt, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua mỗi lần đến với Bát Xát, đó là Cột cờ Lũng Pô (xã A Mú Sung), tọa lạc tại ngã ba sông ‑ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, là công trình có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chủ quyền biên giới, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

 Hơn thế nữa, với đời sống văn hoá của mình, cộng đồng các dân tộc huyện Xát đã xây dựng nên bề dày về truyền thống văn hóa bản địa, với những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc thù riêng, mang màu sắc riêng và thể hiện rất rõ nét qua đời sống vật chất, tinh thần, kiến trúc, trang phục, ngôn ngữ, dân ca dân nhạc và lễ hội truyền thống. Có thể kể đến các Lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Khô Già Già (Cầu mùa), Lễ Gạ Ma Do (Cúng rừng) của người Hà Nhì đen; Lễ hội Pút Tồng (Tết nhảy), Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng), Lễ thắp đèn của người Dao; Lễ hội Róong Pọoc (Xuống đồng) của người Giáy, Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông. Kiến trúc nhà Trình Tường rất độc đáo của người Hà Nhì; tri thức dân gian bản địa như tắm thuốc dân tộc Dao; nghề đan nát của người Hà Nhì hay nghề chạm khắc bạc của người Dao; nghề thêu may trang phục của người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì…

Cùng với sự quan tâm ủng hộ của tỉnh, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Bát Xát đang triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng huyện Bát Xát ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc./.

Ban biên tập