Từ lâu, Bát Xát đã là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Mảnh đất và con người Bát Xát hùng vĩ, mộng mơ đã tạo những mạch nguồn cảm xúc cho giới văn, nghệ sĩ trên mọi miền Tổ quốc khi đặt chân đến vùng đất này và đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Các nhạc sĩ thăm mốc giới 92(1) “Nơi cong sông Hồng chảy vào đất Việt”
Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, trên mảnh đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” nhà thơ Dương Soái cho ra đời bài thơ, Gửi em ở cuối sông Hồng và tác phẩm đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc trở thành bài hát nổi tiếng trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, Bát Xát cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Giai đoạn này cũng đã có nhiều ca khúc được ra đời ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, con người thân thiện, mến khách, các địa danh lịch sử; nhiều tác phẩm nói lên sự thay đổi của quê hương Bát Xát trong quá trình đổi mới và phát triển như: Đêm trăng Dền Sáng, Chiều Mường Hum của nhạc sĩ Phùng Chiến; Suối Mường Hum chảy mãi của nhạc sĩ Nguyễn tài Tuệ; Bát Xát Khúc ca ngày mới của nhạc sĩ Kim Xuân Hùng; Giữa Y Tý đại ngàn của nhạc sĩ Vũ Đình Trọng; Về Bát Xát quê em của nhạc sĩ Hoàng Tùng…
Thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung
Đặc biệt, trong những năm gần đây UBND huyện Bát Xát đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút các tác giả sáng tác tác tác phẩm âm nhạc về Bát Xát như: “Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Bát Xát” năm 2021; Trại sáng tác ca khúc về Bát Xát năm 2022, thu hút nhiều nhạc sĩ nổi tiếng tham gia như: Nhạc sĩ Ngọc Khuê, Phùng Chiến, Xuân Hùng, Đức Tân…. Hiện nay, đã có trên 40 ca khúc viết về quê hương Bát Xát. Mới đây nhất, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác âm nhạc với chủ đề “Sông Hồng – Mạch nguồn cảm xúc” do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức đã có hơn 20 nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn điền dã sáng tác âm nhạc tại huyện Bát Xát. Đây là dịp để các tác giả thâm nhập thực tế, thu thập chất liệu để cho ra đời những tác phẩm có giá trị nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, hướng tới một tương lai tươi sáng của vùng đất nơi biên cương của Tổ quốc.
Tìm hiểu văn hóa, người Hà Nhì Y Tý
Nhạc sĩ Sa Anh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Mỗi một chuyến đi đều có một trải nghiệm khác nhau, đến vùng đất nào thì nhạc sĩ, nhà thơ, hay nhà nhiếp ảnh đều có cảm hứng sáng tác và chắc chắn mỗi một vùng đất sẽ có một kỷ niệm bằng những bài hát, bài thơ hoặc những bức ảnh đẹp để cho mọi người thưởng thức. Đặc biệt, đi dọc con sông Hồng chảy vào đất Việt thật sự thấy rất xúc động, nhất là khi bước chân đến Cột cờ Lũng Pô, mình cũng là một người lính nên khi đến đấy thấy có rất nhiều cảm xúc và rồi khi được gặp gỡ các đồng chí ở Đồn Biên phòng thì có cảm giác khi trở về mình sẽ viết ngay được một bài hát về những người lính cùng màu áo với mình. Bát Xát rất là đẹp, con người dễ gần, thân thiện; thời tiết thì quá đẹp”.
Tìm hiểu nguồn nước thiêng của người Hà Nhì, thôn Lao Chải, xã Y Tý
Sau chuyến hành trình tại Bát Xát mỗi nhạc sĩ chắc hẳn đều đã tìm được cho mình một cảm xúc riêng, một hình ảnh riêng để bắt tay viết nên những nốt nhạc và ca từ đẹp đẽ và phấn đấu trong thời gian ngắn nhất sẽ cho ra đời các tác phẩm mới về Bát Xát bằng những âm điệu, lời ca đi vào lòng người và được công chúng đón nhận và hơn nữa tác phẩm đó sẽ còn mãi với thời gian, góp phần bồi đắp nâng cao tư tưởng, tâm hồn, đời sống văn hóa của công chúng và quảng bá hình ảnh Bát Xát đến với du khách muôn phương. Trong hành trình thực tế, mỗi vùng đất có những câu chuyện, những dấu ấn riêng biệt, là kho tàng thú vị để các nhạc sĩ khám phá để rồi chắt lọc làm chất liệu quý báu cho những tác phẩm mới của mình.
Nhạc sĩ Bá Môn, Chánh Văn phòng Hội âm nhạc Hà Nội cho biết: “Đến đây những bản làng của người Hà Nhì, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều hết sức lý thú, khi ở đây vẫn giữ được tính cổ kính và nét văn hóa cổ của nó. Và chúng tôi nhận ra một điều rằng: Ừ! Từ những mạch nguồn này nó sẽ ra sông Hồng và sông Hồng sẽ chảy về muôn nơi và cái đó chính là một điều hết sức lý thú để chúng tôi khai thác dòng sông Hồng này, nó mãi mãi không chỉ với âm nhạc mà với tất cả các loại hình nghệ thuật khác nữa”.
Khám phá chợ phiên Trịnh Tường
Tin tưởng, trong thời gian tới các nhạc sĩ sẽ sáng tác được nhiều hơn những ca khúc mới mang tính nghệ thuật cao về Bát Xát. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bát Xát trong thời kỳ đổi mới./.
Quang Phấn, Trung tâm Văn hóa, TT-TT Bát Xát