Cứ mỗi độ tháng 8 âm lịch hàng năm, khi tiết trời chuyển sang thu cũng là lúc người dân Bản Trung thưởng thức hương vị thơm ngon của cốm – hạt ngọc mùa Thu.
“Mùa thu hương cốm gọi về, xanh đến lạ Bản Trung đầu mùa”, đến với thôn Bản Trung, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bạn sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngọt của cốm, thức quà dân dã mà đầy thanh tao gắn liền với bao thế hệ người người dân nơi đây.
Cốm Bản Trung nổi tiếng khắp 4 phương bởi màu cốm xanh mát như màu xanh của ngọc, hạt cốm dẻo, có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi sữa của lúa nếp non đặc biệt chỉ có ở Lào Cai. Đây là thứ quà giúp chúng ta sống chậm lại từng giây phút, hạt cốm dẻo dẻo, thơm thơm khi nhai và vị ngọt lan dần trong khoang miệng, lắng đọng nơi cuống họng, như thể ta đang đi trong làn nắng vàng sóng sánh, hóng gió thu. Cứ như vậy, từng chút từng chút một nhâm nhi hòa mình vào hương vị thanh tạo trong tiết trời vào thu ở Lào Cai.
Để làm được ra món cốm này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ, cốm được làm từ loại lúa nếp hoa vàng và phải là loại lúa non, nhưng không non quá vì sẽ làm cốm bị nát, cũng không già quá vì cốm sẽ cứng, ăn mất vị ngon. Lúc lấy cốm phải lấy lúc lúa vừa kết sữa. Cốm sau đó về phải rang ngay trong ngày để giữ được hương vị truyền thống đặc trưng, ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì để bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy. Cốm rang xong khi còn nóng là đem giã ngay trên bằng loại cối riêng, nhịp chày nhè nhẹ, nhịp nhàng, đều đều và khoan thai làm ra thành phẩm cốm thơm ngon, mịn, dẻo.
Cốm Bản Trung mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Giáy, tổng hòa tinh hoa của đất trời, và hơn cả tình yêu của con người gửi gắm vào trong đó. Có lẽ cũng chính vì vậy mà đồng bào người Giáy nơi đây làm cốm với cả một tấm lòng, tỉ mỉ trong từng công đoạn để cho ra sản phẩm cốm với hương vị riêng biệt.
Phạm Loan