Thôn Choản Thèn xã Y Tý được hình thành đến nay khoảng 300 năm, là một trong số các thôn cổ của xã Y Tý. Thôn cách trung tâm xã Y Tý khoảng 1,5km, cách biên giới Việt – Trung khoảng 8km. Thôn Choản Thèn được bao bọc bởi các khu rừng thiêng – nơi thực hành các di sản văn hóa phi vật thể như lễ cúng rừng “Mu thu do”, “Gạ ma do”, “Thú tỷ”,… ngoài ra còn có Di tích danh thắng quốc gia “Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả” (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 2015) bao bọc.
Thôn Choản Thèn có địa hình nổi hình dáng mui rùa được bao bọc bởi các khu rừng thiêng, hệ thống ruộng bậc thang. Địa thế địa mạo của thôn cao ở phía Bắc, thấp dần xuống phía Nam, hầu hết nhà đồng bào của hơn 60 hộ dân trong thôn làm theo kiểu nhà trình tường bằng đất. Các ngôi nhà bố trí dọc theo trục đường giao thông chính (đường đã được đổ bê tông rộng 3m, hai bên đường có rãnh kín thoát nước), hệ đường giao thông cấu trúc kiểu “xương cá”, các trục đường phụ (nhánh phụ) cũng đã được đổ bê tông rộng 0,9 – 1,2m. Các ngôi nhà truyền thống thường có hướng nhìn xuống phía Nam (phía thấp – phía ruộng bậc thang, lưng dựa vào núi), phía đầu làng và thường có khoảng sân phẳng phía trước (chủ yếu là sân đất, bê tông và sân xếp đá), các công trình phụ trợ vây xung quanh. Mật độ bố trí nhà tại khu vực trung tâm thôn cao hơn, càng xa trung tâm càng ít nhà.
Biển thông tin du lịch thôn Choản Thèn
Cảnh quan ở Choản Thèn hội tụ những dấu ấn đậm nét của thiên nhiên và địa hình. Ngay từ đầu thôn, qua cánh đồng, du khách có thể có các hướng đi men theo kênh thuỷ lợi để ngắm nhìn cánh đồng ruộng bậc thang với tuyệt đẹp với “view” nhìn xuống di tích danh thắng ruộng bậc thang Thề Pả, hoặc đi trục đường bê tông chính đi từ đầu thôn đến Công viên – một địa điểm với 2 cây Hạnh phúc – nơi người dân bản địa thực hiện nghi lễ thiêng liêng của Lễ hội Khô Già Già, hoặc dọc đường đi du khách rẽ sang tham quan các ngôi nhà trình tường cũ, hay khu rừng cúng,….
Sư tử đá Hà Gừ
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, khi đến với điểm du lịch Choản Thèn, du khách có thể tham quan và tìm hiểu những nét văn hoá đặc sắc, cụ thể:
– Kiến trúc nhà Trình tường: cũng như nhiều bản Hà Nhì khác, yếu tố độc đáo và hấp dẫn đầu tiên khi đến với thôn Choản Thèn chính là ngôi nhà. Nếu như người Việt có câu tục ngữ “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là ba việc lớn của một đời người, thì đối với người Hà Nhì có câu “Lạ Khố Khố Hứ Chà” có nghĩa là ngôi nhà là quan trọng nhất. Nhà ở của người Hà Nhì là nơi mang đậm nét nhất biểu hiện các phong tục tập quán, lối sống của mỗi dân tộc. Ngôi nhà của dân tộc Hà Nhì khác với các dân tộc khác chính là được làm gần như hoàn toàn bằng đất và đá. Nhìn từ trên cao, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì thôn Choản Thèn giống như những cây nấm khổng lồ nằm thấp thoáng trong mây và bao quanh là khu rừng thiêng, cánh đồng ruộng bậc thang, đặc biệt là vào mùa lúa chín, mùa đổ nước tạo nên một tác phẩm hội hoạ tuyệt đẹp của thiên nhiên.
– Nghề đan lát: Nghề đan lát gắn bó với người Hà Nhì ở Y Tý nhiều đời nay, bằng đôi bàn tay khéo léo họ đã tạo nên những sản phẩm sinh hoạt đơn giản, nhưng vô cùng tiện ích cho cuộc sống thường nhật. Nét độc đáo trong sản phẩm đan lát thủ công của người Hà Nhì chủ yếu do người đàn ông tạo ra với các vật dụng phổ biến như mâm, gùi, giỏ,…
– Nghề thêu hoa văn, trang trí thổ cẩm trên trang phục: Đây là nghề đặc thù nên chỉ có chị em phụ nữ và các bà già còn giữ gìn và làm nghề, các cháu gái từ 12 tuổi trở lên đã được bà hoặc chị dạy cách thêu thùa, trang trí hoa văn trên vải, khâu vá làm bộ y phục (quần, áo và các đồ phụ kiện). Trang phục của người Hà Nhì không quá cầu kỳ, màu sắc rực rỡ như những trang phục của dân tộc khác. Từ xa xưa, người Hà Nhì đã biết trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Màu sắc chính của bộ trang phục truyền thống người Hà Nhì là màu xanh chàm. Có lẽ đặc sắc nhất trên bộ trang phục của người dân tộc Hà Nhì đó là những họa tiết được thêu tay trên tà áo, cổ áo và mũ của các em bé nơi đây. Các hoa văn và hoạ thiết mềm mại, tinh xảo trên trang phục thể hiện sự hòa hợp giữa yếu tố giữa con người và thiên nhiên. Với cộng đồng người Hà Nhì, việc duy trì những trang phục đặc sắc của dân tộc mình chính là gìn giữ nét văn hóa cổ truyền cho thế hệ mai sau.
– Nghề nấu rượu: người dân nấu theo phương thức tự sản tự tiêu, nấu rượu được coi là một nghề truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì Đen có 2 loại rượu: Rượu trắng chưng cất từ gạo và thóc, loại rượu ủ từ gạo nếp mà họ thường gọi là “bia Hà Nhì” hết sức đặc biệt.
– Món ăn truyền thống: Người Hà Nhì ở Choản Thèn còn lưu giữ được các món ăn truyền thống, đặc trưng gồm có: Món ăn dưa chua khô, củ cải khô, đậu xị khô, đậu xị tẩm ớt… và món thịt treo nói chung tất cả các món ăn truyền thống người Hà Nhì không thể thiếu ớt, ớt được coi là nguyên liệu kết hợp hầu hết tất cả các món xào. Trong các ngày lễ hội người Hà Nhì còn giã bánh dày.
– Dân ca – dân vũ: Cùng với yếu tố đặc trưng tiêu biểu trên, dân tộc Hà Nhì còn có một kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú với các loại truyện kể, hát ru, dân ca và múa phản ảnh cuộc sống lao động, đấu tranh, chinh phục tự nhiên, khả năng sáng tạo, thể hiện ước mơ khát khao vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
– Trò chơi dân gian: Trò chơi dân gian: Nhảy dây (Pạ lu sù), chơi hòn đá (hà su a nơ cư), trò chơi (u lè u tư), đu dây “a gừ”, đu quay “a quý”, đi cà kheo, đá cầu lông gà… Trò chơi “Nhảy que” của người Hà Nhì đen là một trò vui không thể thiếu trong các dịp hội làng, lễ cúng rừng, Tết cổ truyền, Tết thiếu nhi hay tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ với các dân tộc khác…
Với những tài nguyên thiên nhiên và văn hoá độc đáo, ngày 07/6/2021 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định số 1926/QĐ-UBND công nhận Thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh và hiện địa phương đang quy hoạch, xây dựng điểm thông các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giàu bản sắc thu hút du khách trong và ngoài nước.
MẠNH LINH – PHÒNG VĂN HOÁ VÀ TT