Lễ hội Khô già già trong đời sống văn hoá của người Hà Nhì đen Bát Xát

BXĐT- Người Hà Nhì đen ở Bát Xát sinh sống tập trung tại xã Y Tý, Nậm Pung và rải rác tại các xã A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù chiếm khoảng 6 % dân số toàn huyện. Hoà mình trong dòng chảy văn hoá các dân tộc huyện Bát Xát, bản sắc văn hoá truyền thống của người Hà Nhì cũng mang nhiều nét đặc sắc, phong phú riêng. Trong đó Lễ hội  “Khô già già”, sẽ được tổ chức vào thắng 6 âm lịch.  

Truyền dạy nghi Lẽ cho thế hệ trẻ

    Lễ hội Khô già già là lễ hội Cầu mùa, nó ra đời cùng với sự tồn tại và phát triển của tộc người Hà Nhì đen, không ai nhớ lễ hội xuất hiện từ bao giờ, có từ đời nào, họ chỉ biết rằng từ khi cha mẹ sinh ra đã thấy lễ hội này được tổ chức hàng năm. Và lễ hội đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của cư dân nông nghiệp canh tác lúa ruộng trên các triền núi. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày đầu tháng 6 âm lịch, bắt đầu từ ngày Thìn, kết thúc ở ngày Thân. Đây là những ngày, toàn thể các chủ gia đình tập trung tại dưới chân khu rừng cúng Gạ ma gio nằm ở phía cuối làng để dựng lán thờ và thực hiện nghi lễ mổ trâu và chia thịt, da trâu, đồng thời thực hiện phần hội vui chơi đu dây, đu quay, đánh quay… tạo nên bầu không khí ngày hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp, tính chất cầu mùa đặc sắc của cộng đồng người Hà Nhì đen. 

anh tin bai

Luyện tập chuẩn bị cho Lễ hội

    Khô già già đã trở thành lễ hội dân gian được cộng đồng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông. Cho dù thôn, làng đó có đông dân hay ít dân, bất kể là người dân trong làng đó dù có nghèo khổ hay khá giả, thì cứ đến ngày lễ hội là toàn thể dân làng cùng đóng góp tiền của, mua sắm lễ vật và bỏ công sức để tổ chức lễ hội. Đối với những thôn quá khó khăn, người dân trong thôn quá nghèo khó không góp đủ tiền mua trâu dâng cúng thần, người ta sẽ tìm mua con lợn thay thế cho con trâu, trong ngày lễ hội, khi mổ lợn người ta cũng tính là một con trâu dâng cúng thần linh. 

    Lễ hội đã thể hiện được đặc trưng của tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần rừng, thần nước, thần đất, tất cả đều có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Cộng đồng người Hà Nhì đen thể hiện tinh thần “tôn thờ thần tự nhiên” với quan niệm và mong muốn được các đấng thần linh luôn luôn bảo vệ, che chở và phù hộ cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời giữ gìn và huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng tự hào dân tộc.

    Với tư tưởng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, ngày hội diễn ra sôi động bằng những truyền thuyết, nghi thức, nghi lễ, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, với người còn sống và người đã chết làm cho thế hệ trẻ người Hà Nhì đen hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống dân tộc. Đặc biệt, lễ hội gắn bó với thôn, xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương thân, tương ái.

    Trong quá trình tồn tại, lễ hội Khô già già đã mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, tinh thần và nghệ thuật. 
 

anh tin bai

Chuẩn bị vật liêu làm nhà công viên

    Về giá trị lịch sử – Lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì đen gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người ở Ý Tý, huyện Bát Xát nói riêng và của cộng đồng người Hà Nhì ở Lào Cai nói chung. Lễ hội là sản phẩm sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó ra đời và phát triển lâu dài trong cộng đồng dân tộc, đồng thời phản ánh về lịch sử xã hội tộc người Hà Nhì đen. Phản ánh lịch sử nông nghiệp trồng lúa nước của người Hà Nhì đen, được thể hiện trong mâm lễ người dân dâng cúng thần linh gồm có các loại rau, hạt, xôi, quả (sản phẩm của trồng trọt) … Thông qua Lễ hội “Khô già già” còn phản ánh được lịch sử của làng, biết được dòng họ nào có công xây dựng làng. Tại thôn Lao Chải, xã Ý Tý, dòng họ Lý, Tráng, Phu là 3 họ đến sớm nhất, có công thành lập làng định cư đến ngày nay, sau đó các họ Chu, Sần, Ly đến sau. Lễ hội ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ và hội rõ ràng và cụ thể, hấp dẫn được người xem, đồng thời phản ánh chân thực cuộc sống của tộc người Hà Nhì.

    Về giá trị tinh thần – Lễ hội mở ra, là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh, mùa màng bội thu” mà biểu trưng là các hoạt động trò chơi dân gian như chơi đu quay, đu dây được cả cộng đồng tham gia tại trung tâm Lễ hội với mong muốn được các đấng thần linh che chở, bảo vệ và phù hộ cho người dân trong cộng đồng. 

    Về giá trị văn hóa – Lễ hội “Khô già già” là một sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của tộc người Hà Nhì đen, nó mang nhiều giá trị. Đây là một Lễ hội cầu mùa độc đáo, đặc trưng so với các dân tộc ở vùng cao khác. Giá trị văn hóa thể hiện rõ nhất tính cố kết cộng đồng, khát khao đoàn kết và cầu mong sự được mùa. 

    Giá trị văn hóa còn được thể hiện từ cách lựa chọn địa điểm chung của cộng đồng, bao giờ cũng phải là điểm cuối làng và mọi hoạt động chung của làng được diễn ra tại đây từ phần nghi lễ thực hiện với các thần linh, cho đến việc chia lộc, thụ hưởng lộc của thần linh ban phát, rồi đến các nghi lễ thực hiện tại gia đình. Thịt trâu được chia đều cho các hộ tại lán thờ, thịt trâu được về chế biến thành món chín dâng cúng tổ tiên của gia đình. Tất cả được thể hiện từ cái chung (cộng đồng) đến cái riêng (gia đình) hòa quyện, gắn kết chặt chẽ tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người Hà Nhì đen.

    Giá trị văn hóa được trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân luôn có ý thức trách nhiệm để duy trì tổ chức lễ hội hàng năm, tạo nên sự cố kết cộng đồng chặt chẽ, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng mong muốn cho làng bản “Bình an và được mùa”.

    Về giá trị khoa học – Thông qua cách thức tổ chức Lễ hội “Khô già già”, cho thấy rõ cách khai thác bảo vệ rừng, ứng xử với nguồn nước của người Hà Nhì đen rất gần gũi, thân thiện, gắn bó với môi trường. Các yếu tố Rừng – Đất – Nguồn nước luôn gắn kết mật thiết, hỗ trợ bổ sung tạo thành một quy trình chặt chẽ. Về mặt tổ chức Lễ hội, thì đó đã là một giá trị khoa học bởi vì từ công tác chuẩn bị, các nghi Lễ diễn ra, cách thức trình diễn (diễn xướng) trong Lễ hội có sự sắp xếp rất hợp lý đúng theo trình tự phần Lễ trước, phần hội sau. 

    Giá trị nghệ thuật – Các hoạt động của lễ hội được kết hợp đan xen tạo nên sự đa dạng độc đáo trong Lễ hội, đặc biệt là phần nghi Lễ như nghi Lễ dựng lán thờ, dựng cột đu và đu dây và các động tác thực hành nghi Lễ với các đấng thần linh. 

    Hiện nay, Lễ hội “Khô già già” ở Bát Xát đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Với định hướng biến Di sản thành tài sản, Lễ hội “Khô già già” của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm góp phần quảng bá hình ảnh con người và miền đất cũng như văn hoá của cộng đồng dân tộc Bát Xát…                                                     

Trung Hiếu – Phòng Văn hóa & TT Bát Xát