Người Giáy giữ nghề truyền thống

45678.png

Ghé thăm thôn người Giáy Cóc Cài, xã Bản Qua (Bát Xát) vào dịp tết, chúng tôi được ngắm các chị em trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu tưng bừng du xuân mà thấy như rét mướt dần xa, mùa xuân ấm áp lạ thường.

5.png

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Giáy tựa những bông hoa đủ sắc màu: Xanh lá, xanh da trời, hồng, tím, đỏ… như hút hồn, khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu rõ hơn về bộ trang phục cũng như những người thợ đã làm nên nó.

765432.png

Theo chân cán bộ văn hóa xã, tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Lý – một thợ may trang phục truyền thống người Giáy có tiếng trong vùng. Bà Lý năm nay 66 tuổi và đã có hơn 35 năm làm nghề may.

10.png

Theo bà Lý, người Giáy có trang phục truyền thống cho cả nam và nữ. Trang phục truyền thống của nam giới thiết kế rất đơn giản và chỉ có màu đen, trong khi đó bộ trang phục của phụ nữ Giáy lại rất phong phú, đa dạng về màu sắc và thiết kế cũng cầu kỳ hơn, như phần cổ áo và tay áo được pha phối màu, tạo dáng uốn lượn nhẹ nhàng mà tinh tế, vừa tôn lên khuôn mặt, dáng người phụ nữ, vừa tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. So với các dân tộc khác, trang phục phụ nữ người Giáy đơn giản hơn do ít thêu thùa, thường được may bằng vải lon mềm mại mà nhẹ nhàng.

2.png

Ngắm bộ trang phục của đồng bào Giáy tôi thấy điểm thú vị nằm ở chiếc khuy áo. Khuy áo được thiết kế đóng lệch 1 bên ngực. Những chiếc khuy hình bông hoa cúc được làm bằng vải, kết hợp thêu tay rất tinh tế, tỉ mỉ và ấn tượng. “Làm những chiếc khuy áo này phải rất khéo tay, tỉ mỉ. Tôi chỉ chuyên cắt may áo, quần, còn khuy áo thì đặt mua từ người thợ chuyên làm khuy. Mỗi chiếc áo cần khoảng 5 khuy. Người Giáy thường mặc trang phục truyền thống cả trong lao động, sinh hoạt hằng ngày và đi dự những sự kiện quan trọng như lễ, tết, đám cưới… nên đối với những chiếc áo dùng mặc hằng ngày, họ dùng khuy áo vải đơn giản, chỉ những bộ may để đi chơi lễ, tết, đám cưới, dự tiệc thì mới có nhu cầu dùng khuy áo tạo hình hoa”, bà Lý giải thích thêm.

8.png

Trong khi ở xã Bản Qua có bà Lý thì ở xã Quang Kim có bà Lò Thị Bức, 53 tuổi, thôn Làng San gắn bó với nghề may trang phục truyền thống của người Giáy từ khi mới hơn 20 tuổi.

9.png

Tình yêu mà bà Bức dành cho nghề may và những sản phẩm may do mình làm ra đã giúp bà ngày càng nâng cao tay nghề. Trước đây phải vài ngày bà mới may xong 1 áo, nhưng bây giờ mỗi ngày bà có thể may 1 – 2 chiếc. Thời điểm cuối năm là lúc bà Bức cũng như những thợ may trong vùng bận rộn nhất. Có tháng, bà phải hoàn thành 60 chiếc áo trả khách. Mỗi chiếc áo hoặc quần có giá từ 170 – 200 nghìn đồng gồm cả tiền vải và công may. Mùa may trang phục truyền thống của người Giáy thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng Giêng năm sau để phục vụ cưới hỏi và du xuân của người dân. Nghề may đã giúp bà Bức phần nào có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống.

3.png

Là khách hàng quen thuộc của bà Bức, chị Vùi Thị Thủy cho hay: Tôi rất thích mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tôi có đủ các màu sắc mà mình thích. Tôi mặc hằng ngày, kể cả đi làm hay đi chơi. Từ hơn chục năm nay, tôi thường xuyên đặt may quần áo cho cả gia đình ở tiệm may của chị Bức. Mỗi khi đi chơi xa hoặc dự hội ở địa phương khác, tôi rất tự hào khoe với mọi người về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

4.png

Tiếng lành đồn xa, những tiệm may không hề có biển hiệu, bàn may đơn giản và những chiếc máy khâu cũ kỹ nhưng những người thợ lành nghề, đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc như bà Lý, bà Bức được người Giáy nhiều nơi nghe danh và tìm tới đặt may. Những sản phẩm từ đôi tay khéo léo và tâm huyết muốn làm đẹp cho người, cho đời của họ đã đưa những bộ trang phục truyền thống của người Giáy tới các chợ phiên ở thị trấn Bát Xát, Bản Vược, Trịnh Tường, Mường Hum… vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tăng nguồn thu cho gia đình. Đồng thời, chính họ là những người đang góp phần quan trọng bảo tồn, giữ gìn nghề may và bộ trang phục truyền thống của người Giáy.

6.png

Theo Hoàng Thương – Khánh Ly, Báo Lào Cai