Tháng 5, Y Tý mùa nước đổ

Y Tý bước vào mùa nước đổ hay đúng hơn là mùa đổ ải. Đến xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) những ngày này sẽ thấy cả vùng đại ngàn trông tựa như một bức tranh họa đồ. Màu xanh biếc của trời, màu trắng của mây, màu vàng của nắng và màu xanh thẫm của cánh rừng già đang đổ bóng xuống những cánh đồng ruộng bậc thang trùng điệp nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt.

Y Tý bốn mùa đều là tuyệt phẩm của tự nhiên! Mùa nước đổ – Mùa đổ ải cuốn hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp ngút ngàn. Ruộng bậc thang nơi đây không chỉ đẹp khi ngả màu vàng rực của lúa chín vào mùa thu tháng 8, hay phủ màu xanh mướt của lúa non vào tháng 7 mà còn là đẹp đến nao lòng khi thời tiết bắt đầu bước vào mùa hạ.

Y T ý – Mùa nước đổ (Ảnh Y Tý Xanh)

Mùa nước đổ bắt đầu từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6 hàng năm. Thời điểm đổ nước đẹp nhất ở Y Tý chính là khoảng thời gian hiện nay: giữa tháng 5. Du khách thập phương, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia, đều gọi mùa này với cái tên âu yếm: “Tháng 5 mùa đất thức” hay “Sắc màu tháng 5”.

Đến với Y Tý dịp này, không một người nghệ sỹ hay một nhiếp ảnh gia nào có thể cưỡng lại được vẻ đẹp thật sự choáng ngợp trước bức họa do người dân nơi đây tạo ra. Cũng thật khó mà diễn tả hết những cung bậc cảm xúc khi đứng từ trên cao phóng tầm mắt ra xa xa, tận cuối những vạt rừng đại ngàn, thả hồn vào những đường cong uốn lượn, quanh co, tầng tầng, lớp lớp…

Khúc Quanh A L ù – Điểm chụp Quốc dân vào mùa nước đổ (Ảnh Như Quỳnh)

Diện tích ruộng bậc thang ở Y Tý  khoảng hơn 1.000 ha. Do độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển và đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, người dân chỉ canh tác 1 vụ/ năm. Khởi đầu vụ mới là vào cuối tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa hạ bắt đầu trút xuống cũng là lúc bà con xuống đồng cày xới, đánh thức những mảnh đất vốn khô cằn, sau những ngày đông giá rét để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Bà con các dân tộc bắt đầu gọi nhau ra đồng, mọi bản làng đều đầy ắp tiếng í ới gọi nhau của người già, của trẻ nhỏ, của những âm thanh lao động và cả của tiếng nước chảy thành dòng nối đuôi nhau trên những mó nước dẫn vào đồng ruộng. Những dòng nước miệt mài nối tiếp nhau từ bậc thang này sang bậc thang khác, len lỏi qua những bờ đá lô nhô, chạy vào từng mảng ruộng, đến khi nước xấm xấp mặt đất, phản chiếu đủ màu sắc như màu vàng của đất, màu nâu của phù sa, màu xanh non của mạ, màu xanh biếc của bầu trời, màu trắng của mây quyện với sắc trắng của màn sương buổi sớm, sắc ửng hồng bình minh khi Mặt trời vừa ló rạng, sắc vàng của nắng, sắc xanh của bầu trời lúc vào hạ và sắc đỏ rực lúc hoàng hôn… Tất cả hòa quyện thành những gam màu tương phản sống động tạo lên bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.

Bức họa đồ Y Tý. Ảnh: Y Tý Xanh

Ngoài khung cảnh tuyệt kỹ vào mùa nước đổ, du khách còn có thể tìm hiểu câu chuyện về nghề canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì, người Mông nơi biên cương của Tổ quốc, những câu chuyện về người đắp bờ, dẫn nước, người dắt trâu cầy xới hoặc làm đất bằng những chiếc máy cày nhỏ, họ khéo léo di chuyển từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, những người phụ nữ trong trang phục dân tộc gieo hạt, nhổ mạ, cấy lúa, nhiều người địu theo cả con nhỏ trên lưng hoặc để con ngồi chơi nơi khô ráo để mẹ vừa trông con vừa làm việc…

Khung cảnh Y Tý những ngày đổ ải sẽ đưa du khách  trở về miền tích xưa yên bình, ấm áp và dung dị biết bao nhiêu. Những năm đầu lập bản, người Hà Nhì trước khi nhổ mạ sẽ làm Nghi lễ cúng tại nơi gieo hạt thóc gọi là Lễ “ Hu khử gư” hay gọi là Lễ nhổ mạ, với ý nghĩa là để cầu thần linh phù hộ, cầu mong mưa thuận gió hòa,  một mùa màng tươi tốt, bội thu, ngày nay khi xã hội phát triển, nghi lễ này không còn nữa nhưng trong tâm niệm của mỗi người, họ luôn trân trọng thành kính với tổ tiên, với thần linh. Mọi hoạt động thời gian này của người dân khắp bản dường như bước vào ngày hội trồng cấy, nét mặt từng người đều toát lên sự mới mẻ, rộn ràng vào vụ mùa mới.

Đây không chỉ là lao động, sản xuất mà còn là tín ngưỡng, là minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là công trình “Sáng tạo vĩ đại” của người Mông và người Hà Nhì tại xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), một vùng đất thiêng nơi biên cương của Tổ quốc Việt Nam. Nổi bật trong những bức tranh thơ tình ấy, chính là thung lũng Thề Pả, nơi có những thửa ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn, đẹp mê hồn. Thung lũng Thề Pả nằm giữa hai xã Y Tý và A Lù – trải dài từ Choản Thèn đến Thiên Sinh với diện tích hơn 233 ha, cùng với vị trí đẹp, những thửa ruộng bậc thang tập trung, là vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ vào bậc nhất Tây Bắc. Cũng chính vì vẻ đẹp tự nhiên, phóng khoáng và những giá trị văn hóa – lịch sử của nơi này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận Di tích danh thắng Ruộng bậc thang  thung lũng Thề Pả.

Thề Pả ngày m ùa (Ảnh – Ly Xá Xuy)

Đây không chỉ là tài sản, nơi canh tác của người dân bản địa mà còn là di sản văn hóa đặc biệt, là sản phẩm đặc thù trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cho du lịch tham quan, khám phá của Y Tý nói riêng và của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nói chung./.