Con suối trong mát bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên ngày đêm cuộn chảy, tạo nên dòng thác Đỏ kỳ vĩ. Nguồn “vàng trắng” vô tận ào ào chảy ra từ đại ngàn giúp người dân Dền Sáng (huyện Bát Xát) có điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, nuôi cá nước lạnh và mở ra cơ hội phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Xuân về, đất trời Bát Xát được khoác lên mình một màu tươi mới. Những nếp nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Giáy nép mình bên sườn đồi nay được tô điểm thêm bởi sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê. Bon bon trên tuyến Tỉnh lộ 156 mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng cao Bát Xát. Chỉ hơn một giờ di chuyển bằng xe máy, từ thành phố Lào Cai, chúng tôi đã vào đến trung tâm xã Dền Sáng.
Vì hẹn trước nên ông Lý Láo San, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng đã thu xếp công việc, dành cho chúng tôi cả buổi để nói về những danh lam, thắng cảnh, tiềm năng, lợi thế cũng như định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Xã Dền Sáng nằm giữa đại ngàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, được ban tặng nhiều thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn, trong đó nổi bật là dòng thác Đỏ. Nhờ dòng thác này mà người dân Dền Sáng có nguồn nước vô tận để trồng cấy, nuôi cá nước lạnh và đặc biệt là thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ông Lý Láo San, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng
Để “mục sở thị”, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng – Lý Láo San đưa chúng tôi vào khu vực thác Đỏ. Con đường mòn từ Tỉnh lộ 156 dẫn vào thác Đỏ dài hơn 1 cây số, được dòng suối Tình bồi đắp bằng lớp cát, sỏi nên rất êm chân, không hề trơn trượt ngay cả khi trời mưa. Trên đường đi, thi thoảng chúng tôi gặp những người dân tộc Dao gùi thảo quả từ trong rừng già ra đường chính để bán cho thương lái. Ông Tẩn Sài Vảng, người dân thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng cho biết: Không khí ở đây quanh năm trong lành, mát mẻ nên cây thảo quả sinh trưởng và phát triển rất tốt. Những năm được mùa, được giá, gia đình tôi thu được cả trăm triệu đồng từ tiền bán thảo quả.
Gần đến chân thác, chúng tôi nghe rõ âm thanh ầm ào từ dòng thác Đỏ vọng lại như thúc giục, thêm vài bước chân, hiện ra sau tán rừng già là dòng thác hùng vĩ. Dù không phải là mùa mưa nhưng dòng thác vẫn ào ào cuộn chảy, tung bọt trắng xóa giữa đại ngàn. Thác Đỏ được đặt tên dựa theo màu nâu đỏ của dòng nước chảy trên nền đá có màu hơi đỏ phản chiếu với ánh mặt trời khiến cả dòng thác như một nét vẽ in trên cánh rừng xanh mướt. Vào mùa lũ, dòng thác lớn, chảy xiết và có màu đỏ hơn so với thời điểm còn lại của năm. Người dân nơi đây quan niệm rằng những ai đã đến đây thì khi trở về có thêm sức khỏe, may mắn và hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà ngay từ sáng sớm, hàng chục chàng trai, cô gái trong trang phục lộng lẫy đã có mặt trên đỉnh thác thỏa sức vui đùa, tạo dáng, chụp ảnh.
Chị Nguyễn Thị An ở thành phố Hải Phòng cho biết: Nhờ một số người bạn mà chúng tôi biết đến dòng thác Đỏ của xã Dền Sáng. Dòng thác chứa vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ. Khi đến đây, chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên, hít bầu không khí trong mát và trong người cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn…
Sau khi được trải nghiệm với dòng thác Đỏ, chúng tôi ra về với sự sảng khoái lạ thường. Thế nhưng, theo ông Lý Láo San, chuyến trải nghiệm thác Đỏ của chúng tôi chưa trọn vẹn nếu không được thưởng thức đặc sản cá tầm, cá hồi do chính tay người dân nơi đây chăm nuôi từ nguồn nước của thác.
Ông Chảo Duần Khoang ở thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng cho hay, nhờ có nguồn nước quanh năm trong mát mà người dân địa phương nuôi được những loại cá đặc sản trước kia chỉ có ở trời Âu. Nước đầu nguồn từ rừng già chảy xuống trong vắt nên sản phẩm cá hồi, cá tầm có hương thơm, vị ngọt đậm đà.
Bữa trưa giữa đại ngàn Dền Sáng không quá cầu kỳ nhưng có đủ món được coi là thượng hạng ở đây như gỏi cá hồi và cá tầm, gà bản nướng than củi, thịt lợn đen hấp. Đúng như giới thiệu của ông San, các món ăn ở đây đều rất ngon, đặc biệt là những món được chế biến từ cá nước lạnh. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, nhờ dòng thác Đỏ mà ở Dền Sáng hiện có hơn 31 hộ nuôi cá hồi, cá tầm. Ước tính năm 2023, người dân Dền Sáng thu khoảng 90 tấn cá tầm, cá hồi, thu về khoảng 20 tỷ đồng.
Trong định hướng phát triển vùng đất này, huyện Bát Xát đã có kế hoạch xây dựng thác Đỏ, rừng vầu, rừng chè cổ thụ… thành điểm du lịch trọng điểm, hấp dẫn nhằm hiện thực hóa Đề án số 05 của Huyện ủy Bát Xát về việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện giai đoạn 2020 – 2025. Với vẻ đẹp riêng có, tin rằng trong tương lai không xa, khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, du khách đến Dền Sáng nhiều hơn và thác Đỏ sẽ là điểm nhấn của du lịch Bát Xát nói riêng, Lào Cai nói chung.
Theo Nguyễn Tất Đat – Báo Lào Cai (https://baolaocai.vn/ben-dong-thac-do-post380029.html)