DI TÍCH ĐƯỜNG ĐÁ CỔ PAVIE – TRẦM TÍCH RỪNG THẲM

Với chiều dài gần 20km, đường đá cổ Pavie được xây dựng từ thời Pháp thuộc (1927). Đây là tuyến đường nối từ bản Trà Phà, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đến bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng già Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, hiện nay cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ đón du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Điểm xuất phát chinh phục con đường đá cổ Pavie

Khởi đầu cho hành trình khám phá, ấn tượng đầu tiên mà du khách sẽ bắt gặp là những thửa ruộng bậc thang vàng óng trong mùa lúa chín, hay như những dải lụa lấp lánh mùa nước đổ; uốn lượn, trải dài từ những sườn đồi xuống đến tận thung lũng sâu thẳm. Bốn phía là những dãy núi sừng sững, nguy nga ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Chỉ khi nắng lên, sương mù tan đi, cảnh núi non trùng điệp mới hiện ra giữa đất trời hùng vĩ. Vài năm trở lại đây khi con đường được đá cổ Pavie được “đánh thức”, đã có không ít lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm. UBND huyện Bát Xát cũng đã phối hợp với UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tổ chức khảo sát tuyến đường kết nối du lịch, nhằm phát huy được tiềm năng du lịch giữa hai địa phương; cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của tuyến đường đá cổ, thu hút khách du lịch. Đây cũng là điều mà Nhân dân địa phương mong muốn.

Những viên đá mang dấu vết thời gian

Từ bản Trà Phà, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo vượt qua con đường mòn uốn lượn quanh những triền đồi, đến một khu vực đất tương đối rộng rãi; nơi đây được ví như một thảo nguyên thu nhỏ đầy nắng và gió là bạn đã chạm chân tới những viên đá cổ. Tiến vào đại ngàn nơi con đường đá cổ xuyên qua, lúc ấy bạn chính thức bắt đầu hành trình khám phá con đường cùng với những trầm tích lịch sử. Con đường được lát đá rộng chừng 3m, xuyên qua cánh rừng già nguyên sinh hùng vĩ, với những viên đá kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Ở đầu hành trình có nhiều phân đoạn những viên đá đã được mài nhẵn, không rõ bởi dấu chân người, ngựa, hay bởi mưa gió, chỉ thấy thấm đẫm dấu vết của thời gian.

Con đường đá cổ Pavie xuyên qua những cánh rừng già nguyên sinh kỳ vĩ

Tiến sâu vào rừng già, những viên đá được phủ lên mình một lớp rêu xanh mướt, bạn sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Con đường cứ thế trải dài, khá nguyên vẹn đến tận thôn Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Càng tiến sâu, tuyến đường càng thu hút du khách tò mò, khám phá. Ở đây, mặc dù đã phủ trên mình một lớp rêu xanh khá dày, nhưng vẫn có thể nhận thấy những viên đá có kích thước tương đối đồng đều được lát rất có trật tự trên mặt đường. Hai bên đường là những nương thảo quả xanh tốt, những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mang trên mình dấu ấn thời gian, mưa rừng, gió núi; những dòng suối mát lạnh chảy róc rách xuyên qua những tảng đá lớn; xa xa mây trắng vờn trên đỉnh núi, ánh nắng chiếu xiên qua kẽ lá mang theo những tia nắng đầy sắc màu; không khí trong lành, mát mẻ, mang lại cho du khách cảm giác rất dễ chịu. Càng đi, càng nhiều điều thú vị, cảnh sắc càng đẹp, ven theo con đường những bông hoa dại đua nhau khoe sắc; khung cảnh khó có thể diễn tả bằng lời, mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn của người yêu khám phá thiên nhiên kỳ diệu. Giữa hành trình, du khách có thể dừng chân để dùng bữa điểm tâm giữa mây rừng, gió núi, hít thở không khí trong lành, mát mẻ mà ít nơi nào có được.

Bước chân đến đỉnh đèo Gió, ở độ cao gần 2.100m so với mực nước biển; nơi có hai nấm mộ cỏ và phế tích của chiếc cổng phân chia ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Một điều thật thú vị mà ít ai có thể biết được, đó là: Trước khi bước qua danh giới này, mỗi người đều lấy viên đá nhỏ hoặc cầm nắm cỏ để đặt lên hai ngôi mộ. Truyền nhân kể lại, trước đây tại đỉnh đèo Gió có hai chiếc cổng dựng bằng bê tông và đá, rộng bằng cả con đường; nhưng không biết vì lý do gì mà đã bị phá bỏ nhiều năm nay. Có rất nhiều truyền khẩu từ hai ngôi mộ trên đỉnh đèo Gió, nhưng tích có tính thuyết phục hơn cả đó là: Đây chỉ là hai ngôi mộ cỏ, không phải mộ thật. Tương truyền, trước đây khi đi đến địa điểm này vừa gió rét, vừa đói, vì sợ bị chết đói, chết rét, nên mỗi người đi đường thường đặt lên hai bên chiếc cổng phân chia danh giới một cục đá, hay một nắm cỏ với tấm lòng thành kính và cầu mong cho mình đi qua đèo được bình an vô sự; dần dần nấm đất càng ngày càng to giống như hai ngôi mộ. Vì đã có tiền lệ, nên mỗi khi qua đây ai cũng đắp cỏ hoặc đá lên, nên hai ngôi mộ ấy cứ to dần theo thời gian.

Đỉnh Đèo Gió giáp địa phận tỉnh Lai Châu

Vượt qua ranh giới đèo Gió, là địa phận tự nhiên của tỉnh Lai Châu, con đường từ đây có nhiều đoạn khúc khuỷu, nhưng bằng phẳng hơn. Tiếp tục hành trình bạn sẽ đến được bản Sàng Ma Pho, một bản làng được coi là cao và xa nhất của xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là điểm cuối của con đường đá cổ.

Thôn Sàng Ma Pho (Lai Châu) điểm cuối hành trình

Năm 2023, Đường đá cổ Pavie được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Con đường đá cổ Pavie như một sợi dây kết nối tiềm năng du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu; một hành trình du lịch giàu triển vọng, đánh thức những trầm tích văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo trên dãy Hoàng Liên. Nơi ấy vẫn còn đó những lời mời gọi như thôi thúc những người ưa khám phá đến tham quan, trải nghiệm.

TRUNG HIẾU – PHÒNG VĂN HOÁ VÀ TT