LỄ CẤP SẮC CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ HUYỆN BÁT XÁT

Trong kho tàng văn hoá truyền thống của người Dao huyện Bát Xát, hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng rất phong phú, đa dạng và đậm chất nhân văn, trong đó có thể kể đến lễ Cấp sắc. Lễ cấp sắc hay còn được gọi là Lễ lập tịch, là một loại nghi lễ theo chu kỳ vòng đời người, là hình thức lễ thành đinh (lễ trưởng thành) nhuốm màu sắc của tôn giáo tín ngưỡng truyền thống.

Dân tộc Dao ở Bát Xát có 2 nhóm, ngành chính là Dao Đỏ và Dao Tuyển, cư trú tập trung tại 65 thôn thuộc 15 xã cụ thể như sau:

– Người Dao Đỏ cư trú tập trung tại các xã: Toòng Sành, Phìn Ngan, Bản Qua, Bản Xèo, Mường Hum, Mường Vi,  Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung, Dền Sáng, Nậm Chạc, Trịnh Tường; Bản Vược, Y Tý.

– Người Dao Tuyển (Dao Làn Tiẻn) sinh sống tại các xã Cốc Mỳ, Bản Vược.


Lễ cấp sắc ra đời và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tộc người Dao. Trong quá trình thiên di đến các khu vực khác nhau của đất nước Việt Nam, họ vẫn mang theo các cuốn sách cổ dạy làm người, dạy làm cấp sắc,…các gia đình vẫn thực hiện lễ cấp sắc cho các con cháu của mình. Người Dao vẫn duy trì tổ chức lễ cấp sắc để được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có quyền hành nghề cúng bái, giáo dục con cháu làm những điều hay, lẽ phải…

Nghi lễ đón thầy trong cấp sắc 12 đèn

Lễ Cấp Sắc theo tiếng địa phương, được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Người Dao đỏ gọi Lễ Cấp Sắc là “Quả tăng”. “Quả” có nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; “Tăng” là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, “Quả Tăng” có nghĩa là lễ thụ đèn, treo đèn hay “tẩu slai” (độ giới), lễ đặt tên âm “phạt búa”, lễ công nhận được làm thầy cúng “piết giáo”, hoặc cụ thể hơn là gọi theo cấp bậc của nghi lễ thụ lễ 3 đèn “phàm thoi tăng”, thụ lễ 7 đèn “thiết phing tang” và cao nhất là cấp sắc 12 đèn “Tẩu say” hay còn gọi là “Chiệp nhị chán tăng”; Người Dao tuyển gọi là “Chay sây”- cấp sắc cho con. Lễ cấp sắc của người Dao ở Bát Xát thường tổ chức cho con trai từ 13 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 (âm lịch) của năm sau. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng… Người Dao quan niệm: Những người đàn ông được trải qua nghi lễ cấp sắc thì mới được coi là người trưởng thành, có vị thế trong gia đình và được xã hội công nhận, được tham gia vào các công việc quan trọng của làng bản, được giúp việc cho thầy cúng và nếu học được chữ Nôm Dao, biết cúng thì được tham gia làm thầy cúng giữ gìn phong tục tập quán, lễ nghi của dân tộc. Mặt khác, người trải qua lễ cấp sắc mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên nơi chín suối. Theo qui định, mỗi dòng họ không quá 3 đời phải tổ chức cấp sắc 12 đèn một lần (thắp 12 đèn) và các dòng họ khác trong bản nếu có nhu cầu cũng được tham gia.

Thầy dẫn các cặp vợ chồng được cấp sắc 12 đèn tại đàn lễ thỉnh mời Ngọc Hoàng chứng kiến tại xã Tòng Sành

Lễ cấp sắc của các ngành Dao thực hiện một số nghi lễ, như: lễ nhận thầy; lập ban thờ mới; mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ; mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ; lễ cấp đèn; lễ đặt tên; lễ dạy làm thầy/truyền phép…Tuy nhiên, ở mỗi ngành lại có những khác biệt riêng. Nhưng người Dao đều thực hiện một số kiêng kỵ như: Không ăn thịt, mỡ; vợ chồng không được ngủ chung; phụ nữ và đàn ông không ăn cùng mâm….

Quy trình nghi lễ cấp sắc:

Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức kéo dài từ 1-5 ngày (tùy theo cấp độ tổ chức, loại hình tổ chức), từ khi tổ chức đến khi kết thúc phải trải qua rất nhiều nghi lễ khác nhau. Với người Dao tuyển mỗi lần cấp sắc cho 1-2 người (là anh em con cháu trong dòng họ) và không quy định là cấp sắc mấy đèn. Họ chỉ tổ chức cấp sắc theo Tam Thanh (Đạo giáo) hay Tam Nguyên (Sư giáo), còn tùy thuộc vào dòng họ, người cha của mình mời thầy cấp sắc bên nào con trai khi được cấp sắc cũng tiến hành y như trước đây người cha mình làm.

Nhóm Dao đỏ tổ chức lễ cấp sắc theo từng dòng họ, phân cấp bậc cụ thể, có dòng họ chỉ được cấp sắc 3 đèn (họ Lý (bé)), có họ chỉ cấp 7 đèn (họ Lò), nhưng có họ lại cấp sắc 12 đèn ( Chảo, Tẩn, Lý (to), Phàn). Tuy nhiên, những họ được quyền cấp sắc 12 đèn, tùy vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình để họ cấp sắc 3 đèn hay 12 đèn nhưng dù là ở cấp bậc nào cũng làm cấp sắc để xã hội coi trọng người đàn ông đã trưởng thành, có thể làm thầy cúng chữa bệnh, giải hạn và đặc biệt làm thầy trong đám cấp sắc cho những người dân, học trò khác. Tuy nhiên ở mỗi cấp bậc của lễ cấp sắc có phạm vi quyền hành khác nhau, cấp sắc nhỏ nhất là 3 đèn, rồi đến 7 đèn và cao nhất là 12 đèn. Trò được cấp sắc ở bậc nào thì sau này làm thầy chỉ được cấp sắc ở bậc đó, nếu muốn thăng cấp phải cấp sắc đủ 12 đèn. Nếu như cấp sắc 3 hay 7 đèn chỉ tổ chức ở phạm vi của một dòng họ thì tổ chức cấp sắc 12 đèn có mở rộng cho các họ khác đăng ký tham gia cùng tổ chức.

Nghi lễ được tiến hành theo các bước:

– Lễ nhận thầy cả và thầy hai: trước làm lễ 7 ngày, người được Cấp sắc cùng bố tới nhà thầy cả và thầy hai làm lễ bái thầy. Khi đi mang theo một gói muối (gói vào lá dong) đến nhà thầy đặt gói muối lên bàn thờ, xin phép được nhận thầy.

 – Trước khi đi làm lễ: thầy cúng thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình, cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Khi đi, hai thầy cúng mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục thầy cúng, bộ âm dương, gậy ma và có 3 người hát nữ đi cùng. Đến nơi, thầy lập bàn thờ mới trong nhà của người được cấp sắc, đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Trên ban đặt 02 mâm lễ của thầy cả và thầy hai. Phía trên ban thờ thần linh treo tranh Tam Thanh và tranh múa của 2 thầy. Hai thầy làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thông báo việc đến làm lễ, xin âm dương cho phép tiến hành lễ cấp sắc. Người giúp việc dùng chổi quét từ trong nhà ra ngoài sân để đuổi cái xấu ra ngoài.

Thầy truyền phép cho học trò tại đàn lễ ngoài trời trước sự chứng kiến của Ngọc Hoàng Thượng Đế

Thầy cả và thầy hai mặc trang phục thầy cúng để làm lễ. Người được cấp sắc đứng đối diện với thầy hai, bố của người cấp sắc thì đứng đối diện với thầy cả. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu thần linh, chia tiền vàng để cảm tạ thần linh. Tiếp theo, mọi người cùng múa xoè để mừng lễ cấp sắc.

– Thầy cả làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ khấn xin thầy của mình và thần linh cấp đèn cho người được cấp sắc, mời rượu thần linh, gieo quẻ xin âm dương, chia tiền cho thần linh. Thầy làm lễ xua những điều xấu ra khỏi người được cấp sắc bằng cách cầm thanh kiếm đi vòng quanh người được cấp sắc, dùng kiếm hất mẩu giấy trên mũ ra rồi gieo quẻ âm dương, rồi cầm mẩu giấy, tay đặt lên đầu gối, chân co lên nhảy lò cò ra cửa, vứt mẩu giấy đó đi (vứt đi cái xấu xa). Trong lúc thầy cả xua đuổi điều xấu, thầy hai làm lễ đón điều tốt, điều thiện về cho người được cấp sắc.

Thầy cả làm lễ cấp hương cho người được cấp sắc, cúng xin thần linh cho người đó sau này khi đi làm thầy có thể được thắp hương.

          – Đặt tên cho người được cấp sắc: Thầy cả đứng trước ban thờ xin với tổ tiên và thần linh xin được lấy tên cho người được cấp sắc (tên do gia đình dự kiến trước). Thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn.

– Đặt tên xong thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc được phép sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa… Mỗi lần cấp phép, thầy cúng sẽ cầm 1 đồ nghề, đọc xong bài cúng, rồi trao đồ nghề đó cho người được cấp sắc.

– Thầy cả làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy. Thầy cả chia 2/3 gạo và tiền về phía mình, 1/3 về người được cấp sắc. Sau đó, hai thầy trò mỗi người cầm một đầu tấm vải xé làm đôi, mỗi người một nửa. Thầy cả kiểm tra số mặt sấp ngửa của tiền rơi xuống, nếu ngửa nhiều là tốt. Lấy tấm vải đó gói số gạo được chia lại và treo lên tường, để 7 ngày sau, người được cấp sắc và thầy cả phải mang phần gạo của mình nấu cơm và một mình phải ăn hết số cơm đó cùng với rau và gừng (để cho tình thầy trò khăng khít như bố con và từ giờ về sau người được cấp sắc sẽ gọi thầy của mình là bố).

 – Lễ cho người được cấp sắc sau này có thể xem bói: Thầy cả thực hiện nghi lễ truyền nghề, để học trò sau này có thể xem bói.

– Học múa: Thầy hai và người được cấp sắc mặc trang phục thầy cúng, đội mũ thầy cúng, 1 tay cầm que múa, 1 tay cầm chuông, đứng trước ban thờ, thầy hai đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám. Hai thầy trò cùng nhảy múa theo nhịp nhạc trống, chiêng, bài múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần.

– Múa tống thần đất và thần rừng: Người giúp việc cho thầy cả (thầy ba) làm lễ tiễn các thần ra về trước, rồi tiếp tục cúng, múa tiễn các vị thần linh khác.

– Cúng thần linh cầu lộc, cầu tài cho người được cấp sắc: Thầy cả và thầy ba làm lễ, sau mỗi bài cúng thầy lấy bánh đưa cho người giúp việc và đặt xuống, múc rượu đổ vào 2 bát (lặp lại 3 lần). Cúng xong người giúp việc lấy tiền vàng trên ban thờ xuống để làm lễ chia tiền vàng cho thần linh và mang hóa. Thầy cả cầm 1 bát rượu trên bàn đưa cho bố và ông nội của người được cấp sắc mang đặt lên ban thờ, mời tổ tiên uống rượu. Cúng xong các thầy cúng và người giúp việc lấy bánh nếp chia cho mọi người cùng hưởng lộc.

– Lễ nhảy đồng: Thầy cả ngồi ở ghế dùng 2 mảnh âm dương gõ vào nhau theo điệu nhạc, thầy ba đứng lên múa theo nhạc trống, chiêng đến lúc nhập đồng. Khi đó, gia đình phải cử một người đứng chặn ở cửa ra vào để thầy ba không nhảy ra ngoài, sau hay bị ốm đau.

– Cúng cầu may mắn, sức khoẻ cho người được cấp sắc: Gia đình dọn dẹp ban thờ thần linh, chuẩn bị lễ gồm 2 con lợn khoảng hơn 100kg đã mổ, để sống, đặt nằm úp bụng xuống. Ban thờ thần linh đặt một con lợn, 1 bát gạo, 7 cái chén (7 ông đại thần), 1 cây sáo, giấy lệ phí cho đại thần, 1 bát hương, 1 cái bánh nếp. Một con đặt ở dưới ban thờ tổ tiên. 3 người hát nam, 3 người hát nữ đứng đằng sau thầy cả cùng làm lễ. Thầy cả đứng đọc bài cúng, hết một đoạn thầy hất tay về phía trước và vãi gạo vào con lợn để cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc. Thầy hai đứng trước ban thờ cúng tổ tiên cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc, rồi làm lễ chia tiền vàng, múc rượu mời tổ tiên.

– Đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung: Ba người hát nữ đứng hát ở chỗ cây tre đan vào nhau được chuẩn bị sẵn, 3 người hát nam đứng ở góc nhà hát đối đáp. Nhóm hát các trường đoạn từ khi con người được sinh ra, dạy dỗ đến khi trưởng thành như thế nào, hát mừng cho tên mới của người được cấp sắc. Trong khi đó, gia chủ chuẩn bị một mâm cơm đặt ở giữa nhà. Thầy cả làm lễ mượn thần linh những bài thơ ca, truyện cổ, xin phép tổ tiên, thần linh được đọc. Những người đọc thơ (thường là những người già biết chữ Nôm Dao, biết lời cúng) và thầy cả, thầy hai và thầy ba ngồi vào mâm, rót rượu chúc nhau. Lấy lá dong phủ lên mâm cơm đó. Những người đọc thơ ca mang những quyển sách ghi chép thơ ca, truyện cổ đặt lên bàn, miệng đọc, tay cầm chuông lắc đều theo nhịp trong khoảng 2 – 3 giờ. Sau đó, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm.

– Lễ xoá những kiêng kị: Gia chủ chuẩn bị một mâm lễ, bố của người được cấp sắc đặt 3 cái bánh nếp lên ban thờ của tổ tiên. Thầy cả đọc bài cúng xin tổ tiên và thần linh xoá đi những cái kiêng kị cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước mâm lễ ở ban thờ thần linh để làm lễ hồi thơ ca. Cúng xong thầy cả làm lễ chia tiền vàng cho tổ tiên và thần linh, rồi mang tiền vàng đi hóa. Ông nội của người được cấp sắc cúng mời tổ tiên về dùng bữa cùng gia đình. Sau khi làm lễ này xong, người được cấp sắc quay trở lại cuộc sống bình thường, không phải kiêng kỵ nữa.

– Lễ tống đại thần ra về: Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên, tay cầm mảnh âm dương đọc bài cúng xin tiễn thần linh (đại thần). Cúng xong thầy cả cầm bát hương và bát rượu mang ra ngoài cửa đổ đi. Lễ cấp sắc kết thúc, 2 con lợn được xẻ thịt chia phần cho những người giúp việc, riêng thầy cả và thầy hai mỗi người sẽ được 1 cái đầu và 1 đùi lợn để mang về nhà làm cơm mời mọi người trong bản dùng bữa mừng bản thân đi làm lễ thành công.

Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc khác nhau, từ thấp đến cao. Hiện các ngành Dao chỉ phổ biến cấp sắc 3 đèn. Cấp sắc 12 đèn (thập nhị tinh) chỉ duy trì cho các ông trưởng họ của các ngành Dao với nghi lễ phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị. Theo khảo sát điền dã, người Dao Đỏ gọi lễ “quả tăng” để chỉ nghi lễ cấp sắc 3 đèn (bậc thấp nhất) và 36 binh mã; lễ ngũ tinh được cấp 5 đèn và 36 binh mã; lễ thất tinh được cấp 7 đèn và 72 binh mã; lễ cửu tinh được cấp 9 đèn và 72 binh mã; lễ thập nhị tinh (bậc cao nhất) được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Tuy nhiên, cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao Bát Xát đến nay rất ít thực hiện, do đó, số lượng thầy cúng cao tay (người đã trải qua lễ cấp sắc 7 đèn, 12 đèn) không nhiều.

Có thể nói, lễ cấp sắc là môi trường gìn giữ và thực hành hết sức hiệu quả của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau, là không gian sinh hoạt văn hóa mang đậm giá trị tộc người của cả cộng đồng. Từ không gian, thời gian tổ chức và các công việc quan trọng khác được thực hiện một cách tỉ mỉ, khoa học, lại mang đậm yếu tố tín ngưỡng truyền thống. Thông qua nghi lễ cấp sắc, người Dao gửi chọn niềm tin của mình vào sự cao siêu của Đạo giáo – loại hình tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của người Dao, các cuốn sách hướng dẫn cách thức thực hành nghi lễ, dạy làm người lương thiện đã giữ một vai trò rất lớn đối với đời sống tinh thần của mỗi người Dao nói chung, người đàn ông Dao nói riêng. Lễ cấp sắc không chỉ là một nghi lễ nhằm “chứng thực” sự trưởng thành của người đàn ông, nâng giá trị của người đàn ông lên một mức cao hơn, làm cho mọi người phải nể trọng…mà nó còn là môi trường giáo dục tính đoàn kết tộc người, giáo dục lòng yêu thương bác ái, khuyến thiện, trừ ác, ra sức cứu khổ cứu nạn những người gặp phải hoạn nạn. Bên cạnh đó Lễ cấp sắc còn là nơi trao truyền những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tại lễ cấp sắc các trò cấp sắc được thầy truyền lại cho các điệu múa, các bài hát, dạy đọc chữ Nôm Dao, dạy các nghi lễ trong lễ cấp sắc cần có để sau này có thể làm thầy cấp sắc cho người khác. Thông qua sự truyền dạy trực tiếp và thực hành nghi lễ mà lễ cấp sắc tiếp tục được truyền thụ qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày nay. Sự kế thừa văn hóa không chỉ diễn ra đối với người được cấp sắc mà đây cũng là dịp để cả cộng đồng ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống, để thế hệ trẻ được chứng kiến tận mắt nghi lễ truyền thống độc đáo của dân tộc.

Lễ cấp sắc người Dao ở Bát Xát là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng hết sức đa dạng và có giá trị, là không gian sinh hoạt văn hóa đặc biệt và điển hình được cả cộng đồng người Dao hết sức đề cao, coi trọng. Lễ cấp sắc vừa là nơi thực hành các nghi lễ truyền thống, vừa là không gian diễn xướng của các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác nhau của người Dao, rất nhiều loại hình nghệ thuật được tổ chức tại đây như: nghệ thuật ngôn từ được chắt lọc ra từ các cuốn sách cổ, các cuốn kinh cổ chỉ sử dụng cho việc cấp sắc, là lời cúng của các ông thầy cúng; là nơi thể hiện của nhiều loại hình nhạc khí dân gian khác nhau như: Chiêng, trống, nạo bạt, kèn pí lè…, nơi thực hành các loại hình vũ đạo dân gian khác nhau thông qua các điệu múa dân gian; là nơi thể hiện nghệ thuật tạo hình và trang trí dân gian, các bức tranh thờ, những chiếc mặt nạ được các nghệ nhân am hiểu thực hiện việc chuẩn bị nguyên vật liệu để vẽ tranh, từ màu sắc đến chất liệu nền đều được làm ra một cách thủ công, đều được khai thác từ tự nhiên nên nó có tuổi thọ cao trước sự tác động của môi trường tự nhiên và nghệ thuật trang trí chay đàn, trang trí không gian tổ chức lễ cấp sắc bằng các loại giấy màu khác nhau,…đồng thời, đây còn là cơ hội thể hiện sự am hiểu trong việc sử dụng vốn từ Nôm – Dao trong các cuốn sách cổ… Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao. Lễ cấp sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao, thể hiện qua các điệu múa, hát đối đáp – páo dung, tranh vẽ, hình cắt giấy… Lễ cấp sắc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Lễ cấp sắc hướng người đàn ông Dao cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ, luôn làm điều thiện. Với những giá trị ấy, Lễ cấp sắc của người Dao ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012./.

BQL DI TÍCH VÀ PTDL HUYỆN