Người Hà Nhì đen ở Bát Xát sinh sống tập trung tại xã Y Tý, Nậm Pung và rải rác tại các xã A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù chiếm khoảng 6 % dân số toàn huyện. Hoà mình trong dòng chảy văn hoá các dân tộc huyện Bát Xát, bản sắc văn hoá truyền thống của người Hà Nhì cũng mang nhiều nét đặc sắc, phong phú riêng. Người Hà Nhì tổ chức nhiều lễ, tết và hội hè theo mùa xuân, hạ, thu, đông tạo nên bản sắc đặc trưng riêng như: Tết trong tháng giêng (gồm các lễ Ga tu tu – cấm làng; Lễ cúng thần nước “Lú khù sụ”; Lễ cúng rừng “Gạ ma gio” và Lễ tạ ơn thầy cúng); Tết tháng 3 lễ cúng rừng “Mu thu gio”; tháng 6 Lễ hội “Khô già già”, tháng 10 tổ chức Lễ cơm mới và tháng 11 tổ chức tết đông “Ga tho tho” …
Công tác chuẩn bị lễ hội
Lễ hội Khô già già là lễ hội Cầu mùa, lễ hội ra đời cùng với sự tồn tại và phát triển của tộc người Hà Nhì đen, không ai nhớ lễ hội xuất hiện từ bao giờ, có từ đời nào, họ chỉ biết rằng từ khi cha mẹ sinh ra đã thấy lễ hội này được tổ chức hàng năm. Và lễ hội đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của cư dân nông nghiệp canh tác lúa ruộng trên các triền núi. Lễ hội Khô già già có quy mô tổ chức tại cộng đồng thôn (một thôn), được tổ chức vào mùa hạ (tháng 6 âm lịch) nhằm mục đích cầu mùa, cầu mong sự sinh sôi phát triển, cầu thần rừng, thần thổ địa, thần nước phù hộ cho bản làng được bình yên, con người được mạnh khỏe…Thông qua nội dung và hình thức tổ chức lễ hội, các yếu tố mang “tính thiêng” trong các nghi thức, nghi lễ khi thực hiện tỏ lòng tôn kính đến các đấng thần linh, các biểu tượng mang “tính phồn thực”- sự sinh sôi phát triển được thể hiện qua các nghi lễ dựng cột và thân cây đu với ước mong âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở, ngũ cốc phong đăng.
Lễ hội diễn ra trong năm ngày đầu tháng 6 âm lịch, bắt đầu từ ngày Thìn, kết thúc ở ngày Thân. Nét độc đáo của lễ hội là một ngày lễ, kế đến là một ngày hội, rồi lại tiếp tục lễ, hội… Trong những ngày lễ hội, người dân được vui chơi thoải mái, thăm hỏi chúc nhau những điều tốt lành, kết thúc lễ hội toàn thể người dân lại tiếp tục các công việc đồng áng, chăm sóc cây trồng… Trước ngày lễ hội khoảng 15 -20 ngày, trưởng bản, già làng cùng 2 thầy cúng “Gạ ma à guy” của làng tổ chức họp với dân bản thống nhất về thời gian mở hội, số tiền đóng góp mua sắm lễ vật, thành lập ban tổ chức- ban chỉ đạo (già làng, thầy cúng) và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong cộng đồng. Trong đó, hai ông Khư dù (tiếng Hà Nhì đen gọi là người tìm chân) là người chịu trách nhiệm mua sắm trâu, chuẩn bị lễ vật dâng tế thần linh.
Địa điểm tổ chức lễ hội là khu đất bằng có cây cối xanh tốt nằm ở cuối làng thuộc về phía Tây- mặt trời lặn, vì quan niệm lễ hội này ngoài mục đích cầu mùa còn có ý nghĩa xua đuổi dịch bệnh, những cái không may, cái xấu ra khỏi làng do đó điểm tổ chức phải ở cuối làng. Đặc điểm khu đất tổ chức lễ hội phải ở gần khe nước hoặc mương nước, bên cạnh có ít nhất 2 cây gỗ xanh tốt, có bãi đất bằng để dựng cột đu và đu dây cho mọi người vui chơi. Do vậy, để tạo mặt bằng người ta huy động nhân lực tham gia vào quá trình tôn tạo, kè bờ để tạo mặt bằng, xếp đá tạo một sân chơi cho toàn thể người dân vui chơi trong những ngày lễ hội.
Người Hà Nhì đen quan niệm trong mọi nghi lễ thực hành với thần linh bao giờ cũng phải có một đôi thầy cúng, đôi thầy này tượng trưng là một cặp vợ chồng, một người làm thầy chính (đóng vai chồng) và một người làm thầy phụ (đóng vai vợ). Người làm thầy chính có tiếng nói và quyền uy cao nhất, quyết định mọi chuyện liên quan đến nghi lễ với thần linh và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thờ cúng chung của cộng đồng cũng như trong tổ chức lễ hội Khô già già. Việc lựa chọn thầy cúng thực hiện trong lễ cúng rừng “Gạ ma gio” được tổ chức vào ngày Thìn tháng giêng đầu năm, khi đó người ta lựa chọn 2 trong những chủ những gia đình “trong sạch” bốc thăm ngẫu nhiên và do trời quyết định ai là người bốc được viên bi đất trong có cuống lá sẽ được làm thầy cúng chính, ai bốc được viên bi đất có ngọn lá sẽ làm thầy cúng phụ. Hai ông thầy cúng “gạ ma à guy” sẽ thay mặt dân bản thực hiện các nghi lễ cúng chung của thôn bản đến khi nào một trong gia đình hai ông thầy xảy ra những việc “không sạch” thì sẽ bốc thăm chọn hai người thầy khác. Vai trò của hai người thầy cúng này đặc biệt quan trọng, họ thay mặt đại diện cho các thành viên trong cộng đồng để thực hành nghi lễ với các đấng thần linh tối cao. Chính họ được các thành viên trong cộng đồng tôn trọng và kính nể, khi gia đình có việc cần bàn bạc, họ sẽ xin ý kiến của hai thầy cúng.
Theo phong tục của người Hà Nhì đen trên mâm lễ của gia đình thầy cúng gồm có 12 hoặc 14 món. Các lễ vật này đều là sản phẩm nông nghiệp do người dân tự trồng trọt mà có, ngoài ra còn có cả thịt con trâu vừa được giết mổ để hiến tế. Các gia đình khác trong thôn cũng chuẩn bị một mâm lễ vật dâng cúng thần linh trong ngày chính hội gồm 8 hoặc 10 món, bao giờ cũng phải ít hơn mâm lẽ của thầy cúng 02 món. Lễ vật gồm, về cơ bản lễ vật của các gia đình bày trên mâm là giống nhau gồm có: thịt trâu luộc; 01 đôi cơm nếp có kẹp quả trứng làm nhân; đậu tương; khoai sọ; lạc rang; đậu tương rang; khoai tây; bí đỏ; đỗ xanh; dưa chuột. Các món bày xếp lên mâm mang tính chất thẩm mĩ, xếp tròn đầy lòng mâm. Sau khi bày xong, đến giờ chủ nhà đội rước mâm lễ về xếp hàng ở trung tâm lễ hội.
Phần lễ được thực hiện với nhiều nghi thức, nghi lễ cụ thể như: Nghi thức dựng lán- nơi đón thần linh về ngự trị và chứng kiến lễ hội; Nghi lễ mổ trâu- chia thịt trâu cho các gia đình thành viên; Nghi lễ cúng tổ tiên tại gia đình; Nghi lễ dâng lễ vật cúng thần nông nghiệp và các thần linh bảo vệ làng; Nghi lễ lấy lá đu quay nghi thức cho các thần đu quay ‘‘a quý và đu dây ‘‘a gừ’’ sau mới đến người trong thôn vui chơi.
Khô già già đã trở thành lễ hội dân gian được cộng đồng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông. Cho dù thôn, làng đó có đông dân hay ít dân, bất kể là người dân trong làng đó dù có nghèo khổ hay khá giả, thì cứ đến ngày lễ hội là toàn thể dân làng cùng đóng góp tiền của, mua sắm lễ vật và bỏ công sức để tổ chức lễ hội. Đối với những thôn quá khó khăn, người dân trong thôn quá nghèo khó không góp đủ tiền mua trâu dâng cúng thần, người ta sẽ tìm mua con lợn thay thế cho con trâu, trong ngày lễ hội, khi mổ lợn người ta cũng tính là một con trâu dâng cúng thần linh.
Lễ hội Khô già già đã thể hiện được đặc trưng của tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần rừng, thần nước, thần đất, tất cả đều có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Cộng đồng người Hà Nhì đen thể hiện tinh thần “tôn thờ thần tự nhiên” với quan niệm và mong muốn được các đấng thần linh luôn luôn bảo vệ, che chở và phù hộ cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời giữ gìn và huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng tự hào dân tộc.
Với tư tưởng “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây”, ngày hội diễn ra sôi động bằng những truyền thuyết, nghi thức, nghi lễ, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, với người còn sống và người đã chết làm cho thế hệ trẻ người Hà Nhì đen hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống dân tộc. Đặc biệt, lễ hội gắn bó với thôn, xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương thân, tương ái.
Trong quá trình tồn tại, lễ hội Khô già già đã mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, tinh thần và nghệ thuật.
Về giá trị lịch sử – Lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì đen gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người ở Ý Tý nói riêng và của cộng đồng người Hà Nhì ở Bát Xát nói chung. Lễ hội là sản phẩm sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó ra đời và phát triển lâu dài trong cộng đồng dân tộc, đồng thời phản ánh về lịch sử xã hội tộc người Hà Nhì đen. Phản ánh lịch sử nông nghiệp trồng lúa nước của người Hà Nhì đen, được thể hiện trong mâm lễ người dân dâng cúng thần linh gồm có các loại rau, hạt, xôi, quả (sản phẩm của trồng trọt) … Thông qua Lễ hội “Khô già già” còn phản ánh được lịch sử của làng, biết được dòng họ nào có công xây dựng làng. Tại thôn Lao Chải, xã Ý Tý, dòng họ Lý, Tráng, Phu là 3 họ đến sớm nhất, có công thành lập làng định cư đến ngày nay, sau đó các họ Chu, Sần, Ly đến sau. Lễ hội ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ và hội rõ ràng và cụ thể, hấp dẫn được người xem, đồng thời phản ánh chân thực cuộc sống của tộc người Hà Nhì nơi biên giới Lào Cai.
Về giá trị tinh thần – Lễ hội mở ra, là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh, mùa màng bội thu” mà biểu trưng là các hoạt động trò chơi dân gian như chơi đu quay, đu dây được cả cộng đồng tham gia tại trung tâm Lễ hội với mong muốn được các đấng thần linh che chở, bảo vệ và phù hộ cho người dân trong cộng đồng. Lễ hội mở ra có sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời nó còn nhận được sự quan tâm và cổ vũ mạnh mẽ từ chính các thành viên trong và ngoài thôn. Bởi vậy, có thể đánh giá Lễ hội “Khô già già” thể hiện được tính phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận và được chính họ lưu giữ, bảo tồn.
Về giá trị văn hóa – Lễ hội “Khô già già” như một bể trầm tích các lớp tín ngưỡng, văn hóa. Lễ hội “Khô già già” là một sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của tộc người Hà Nhì đen, nó mang nhiều giá trị. Đây là một Lễ hội cầu mùa độc đáo, đặc trưng so với các dân tộc ở vùng cao khác, Lễ hội mở ra vào mùa hạ. Giá trị văn hóa thể hiện rõ nhất tính cố kết cộng đồng, khát khao đoàn kết và cầu mong sự được mùa. Bởi cả phần Lễ và phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện của người dân là mong ước được mùa màng bội thu, con người được bình an khỏe mạnh, sinh sôi phát triển. Các tín ngưỡng đan xen, hòa nhập vào nhau tạo nên một không gian văn hóa sống động và đậm nét của cư dân nông nghiệp.
Giá trị văn hóa còn được thể hiện từ cách lựa chọn địa điểm chung của cộng đồng, bao giờ cũng phải là điểm cuối làng và mọi hoạt động chung của làng được diễn ra tại đây từ phần nghi lễ thực hiện với các thần linh, cho đến việc chia lộc, thụ hưởng lộc của thần linh ban phát, rồi đến các nghi lễ thực hiện tại gia đình. Thịt trâu được chia đều cho các hộ tại lán thờ, thịt trâu được về chế biến thành món chín dâng cúng tổ tiên của gia đình. Tất cả được thể hiện từ cái chung (cộng đồng) đến cái riêng (gia đình) hòa quyện, gắn kết chặt chẽ tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người Hà Nhì đen.
Giá trị văn hóa được trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân luôn có ý thức trách nhiệm để duy trì tổ chức lễ hội hàng năm, tạo nên sự cố kết cộng đồng chặt chẽ, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng mong muốn cho làng bản “Bình an và được mùa”.
Về giá trị khoa học – Thông qua cách thức tổ chức Lễ hội “Khô già già”, từ công tác chuẩn bị, họp thôn cho đến việc phân công nhiệm vụ đã phản ánh được tri thức bản địa hài hòa với môi trường, không đối trọng với môi trường thể hiện ở cách lựa chọn địa điểm cho các nghi lễ, trò chơi diễn ra rất thân thiện với môi trường, cảnh quan xung quanh. Cho thấy rõ cách khai thác bảo vệ rừng, ứng xử với nguồn nước của người Hà Nhì đen rất gần gũi, thân thiện, gắn bó với môi trường. Các yếu tố Rừng – Đất – Nguồn nước luôn gắn kết mật thiết, hỗ trợ bổ sung tạo thành một quy trình chặt chẽ.Về mặt tổ chức Lễ hội, thì đó đã là một giá trị khoa học bởi vì từ công tác chuẩn bị, các nghi Lễ diễn ra, cách thức trình diễn (diễn xướng) trong Lễ hội có sự sắp xếp rất hợp lý đúng theo trình tự phần Lễ trước, phần hội sau.
Giá trị nghệ thuật – Các hoạt động của lễ hội được kết hợp đan xen tạo nên sự đa dạng độc đáo trong Lễ hội, đặc biệt là phần nghi Lễ như nghi Lễ dựng lán thờ, dựng cột đu và đu dây và các động tác thực hành nghi Lễ với các đấng thần linh.
Có thể nói, cùng với dòng chảy và nhịp sống hiện đại với những xu thế và quan niệm khác nhau, người Hà Nhì ở Bát Xát đã được khoác lên mình những yếu tố hiện đại, những loại hình nghệ thuật cũng mang những hơi thở mới. Tuy nhiên, Lễ hội “Khô già già” của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát vẫn giữu nguyên các giá trị tốt đẹp của nó. Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 19/12/2014 (Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL), thuộc loại hình Lễ hội truyền thống.
Hiện nay, Lễ hội “Khô già già” ở Bát Xát đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Với định hướng biến Di sản thành tài sản, Lễ hội “Khô già già” của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm góp phần quảng bá hình ảnh con người và miền đất cũng như văn hoá của cộng đồng dân tộc Bát Xát./.
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ PTDL HUYỆN