TIỀM NĂNG DU LỊCH CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ LAO CHẢI

Dự định lên Y Tý đã lâu nhưng phải đến gần cuối năm tôi mới sắp xếp được thời gian, gác hết mọi công việc để nghỉ ngơi, khám phá vẻ đẹp của vùng đất được ví như Sa Pa thứ hai.

Quãng đường đi Y Tý đã được trải bê tông tương đối thuận lợi, hai bên đường là những đồi cây xen kẽ các ngôi làng của đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Dao đỏ, Mông…Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đây là môi  trường khí hậu trong lành, không bị ảnh hưởng của khí thải công nghiệp do ở xa khu đô thị.

Bản Lao Chải

Được bạn bè giới thiệu, chúng tôi liên hệ với anh Chu Xe Xá và nhờ anh đưa đi tham quan một số điểm du lịch nơi đây. Anh ngỏ ý mời chúng tôi đến Lao Chải, quê hương của anh, ở đó anh có một homestay nho nhỏ – qua lời giới thiệu của anh. Chúng tôi tiếp tục hành trình đến bản Lao Chải.

Từ trung tâm xã đến đây khoảng 8km, đường đi tương đối đẹp và hơi dốc. Đến đầu làng anh dừng lại và giới thiệu cho chúng tôi địa điểm được gọi là lán công viên, nơi dùng để tiến hành các nghi lễ quan trọng trong tết của người Hà Nhì. Trong đó, lễ hội Khô già già – Lễ hội cầu mùa là lớn nhất và quan trọng nhất của người Hà Nhì đen được tổ chức từ ngày Thìn đến ngày Thân vào tháng sáu Âm lịch. Tại đây sẽ tiến hành các công việc như cắt gianh lợp lại lán, tổ chức các trò chơi, mổ trâu làm lễ cầu một mùa màng bội thu sau đó sẽ xẻ thịt trâu chia đều cho các hộ trong thôn.

Lễ hội Khô già già ở Lao Chải

Tiếp đến, anh dẫn chúng tôi đến gốc cây cổ thụ giữa làng. Nghe anh kể, thế hệ trước khi đi tìm địa điểm lập làng sẽ chọn những vùng đất có vị trí đẹp đó là có cây cổ thụ, có nguồn nước, có rừng. Vào đêm 30, từng hộ sẽ mang lễ vật đến cúng dưới gốc cây – thổ địa nơi đây. Họ Chu là dòng họ có công tìm ra vùng đất này nên sẽ cúng trước, các họ khác phải lần lượt chờ cúng sau.

Đến gần cuối làng có nguồn nước chảy trong vắt, đây là nơi sinh hoạt chung của thôn. Ở đây, vào ngày Thìn tháng giêng hàng năm sẽ diễn ra lễ cúng thần nước để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các gia đình sẽ làm lễ cúng tổ tiên ở nhà trước khi tham gia lễ cũng của thôn. Mọi người cùng chung tay dọn vệ sinh khu bàn thờ đá và nguồn nước của thôn thật sạch sẽ. Tuy nhiên, chỉ con trai mới được tham gia và thực hiện nghi lễ cúng. Sau lễ cúng, thầy cúng sẽ chia lộc cho mọi người cùng hưởng và thầy cúng cũng là người đầu tiên được lấy nguồn nước chung để chuẩn bị cho lễ cúng tạ ơn Thần Rừng diễn ra vào buổi chiều cùng ngày.

Nơi diễn ra nghi lễ cúng thần nước

Một trong những nơi quan trọng khi chọn lập làng ở đây chính là việc chọn rừng, chúng tôi được anh Xá đưa lên « Rừng cấm » ngay đằng sau làng. Nghe anh kể đây là rừng nguyên sinh, không ai biết có từ khi nào, từ khi người già đến chọn điểm lập làng thì đã có rừng rồi. Chính vì vậy mà ở đây vẫn còn các loại gỗ quý như lim, gụ…thẳng tắp phải vài người ôm mới xuể. Đến giữa rừng, anh chỉ chúng tôi nơi diễn ra lễ cúng Thần rừng (Gạ Ma Do), các nghi lễ cúng thần rừng nhắc nhở các thế hệ người Hà Nhì có ý thức trong việc bảo vệ rừng, thê hiện ước nguyện  của mình trước các vị thần linh về cuộc sống bình yên cho cả năm.

Điểm cuối cùng mà chúng tôi đến là thác Lao Chải, nước trong và mát lạnh có thể nhìn thấu tận đáy. Đây là điểm mà du khách khi đến sẽ cảm thấy tâm hồn như diụ lại khi nhìn dòng thác chảy hiền hòa trên những phiến đá lớn chứ không chảy mạnh và dốc như những dòng thác khác. Dưới chân thác, người dân đến giặt giũ còn trẻ con thì tắm và nô đùa nhau sau một ngày đi làm, đi chăn trâu mêt mỏi.

Chúng tôi quay về homestay của anh Xá nghỉ ngơi, ngồi bên bếp lửa và nhâm nhi món châu chấu chiên giòn cùng uống bia Hà Nhì, được anh giới thiệu lần sau hãy đến Lao Chải vào mùa hoa đào hoa mận nở, các bạn sẽ chụp được những bức ảnh ấn tượng nhất về nơi đây. Tin rằng, Lao Chải trong tương lai sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn khi mà du lịch cảnh quan gắn với các nét văn hóa tâm linh của đồng bào Hà Nhì.