TRI THỨC DÂN GIAN TRONG CANH TÁC RUỘNG BẬC THANG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ

Người Hà Nhì ở Lào Cai cư trú tập trung ở một số xã của huyện Bát Xát gồm: Y Tý, Nậm Pung, A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù. Đây cũng chính là 5 địa điểm tồn tại của di sản tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Là nhóm cư dân nông nghiệp nên người Hà Nhì phát triển kinh tế bằng nhiều loại hình canh tác khác nhau, như săn bắt hái lượm, phát nương làm rẫy và đỉnh cao của phát triển kinh tế người Hà Nhì là phát triển canh tác ruộng bậc thang. Đây là loại hình canh tác đặc trưng trong sản xuất nông nghiệp của người Hà Nhì ở Lào Cai. Để có thể kiến tạo nên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ, biến những sườn đồi thành những vựa cung cấp lúa gạo cho cộng đồng, người Hà Nhì đã tích lũy cho mình những tri thức hết sức có giá trị qua mỗi thời kỳ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tất cả những tri thức liên quan đến canh tác ruộng bậc thang là sự tổng hòa của rất nhiều các tri thức liên quan đến dự hiểu biết về môi trường, thời tiết, quy trình canh tác, các yếu tố tâm linh gắn với canh tác ruộng bậc thang đã được người Hà Nhì tích lũy, giờ đây đã trở thành nguồn tài sản, nguồn tri thức hết sức có giá trị cần được vinh danh.

Người Hà Nhì phát triển nhiều hình thức canh tác nông nghiệp khác nhau để đáp ứng nhu cầu lượng thực, thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Cũng giống như nhiều tộc người anh em, trong phát triển kinh tế, người Hà Nhì cũng có các hoạt động săn bắt, hái lượm các sản vật từ rừng; cùng với đó là hoạt động phát nương làm rẫy để trồng các loại hoa màu, lương thực như: ngô, các giống đậu, ớt, lúa nương,… bên cạnh đó một số hộ gia đình còn trồng cây thảo quả trong các khu rừng già để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Sau đó là phát triển kinh tế bằng loại hình canh tác ruộng bậc thang. Với những lợi thế của vùng đất đang sinh sống, canh tác ruộng bậc thang trở thành phương thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu của người Hà Nhì.

Ruộng bậc thang trong tiếng Hà Nhì là xá sù đa tệ. Việc canh tác nông nghiệp trên loại hình ruộng bậc thang của người Hà Nhì được hình thành và ổn định từ rất sớm. Họ chỉ canh tác một vụ lúa trên các khu ruộng bậc thang, sau đó đồng ruộng bị bỏ hoang. Tuy nhiên việc bỏ hoang này cũng có lý của nó, vì người Hà Nhì cho rằng ruộng ở xa nhà không thể bón phân nên đất cần có thời gian nghỉ để lấy lại độ màu mỡ cho vụ mùa năm sau. Đó cũng là thời gian tri thức dân gian canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì ở Lào Cai tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì được đúc kết và truyền thừa qua nhiều thế hệ chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng và truyền dạy bằng việc thực hành trực tiếp. Mỗi công đoạn trong chu trình canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì tưởng chừng như đơn giản nhưng đối với việc canh tác nông nghiệp ở vùng cao trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển và những khó khăn về địa hình, khí hậu khắc nghiệt đã cho thấy sự vĩ đại của những tri thức dân gian này.

Trải qua hàng chiều dài lịch sử hàng trăm năm, các kinh nghiệm khai khẩn, canh tác ruộng bậc thang đã được các thế hệ người Hà Nhì ở Lào Cai đúc rút, tích lũy, kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ để trở thành một hệ thống tri thức canh tác ruộng bậc thang đạt đến trình độ cao như hiện nay và được các nhà nghiên cứu đánh giá là phát triển nhất so với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đó là lối canh tác nương theo tự nhiên, tận dụng tự nhiên và ứng xử rất hài hòa với tự nhiên phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay, cần được khuyến khích giữ vững và phát triển.

Điểm nổi bật trong hệ thống tri thức canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì đó là luôn nương theo tự nhiên, hài hòa với tự nhiên, thích ứng nhiều hơn là đối chọi với tự nhiên. Điều này được thể hiện ở việc người Hà Nhì canh tác ruộng bậc thang gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, nương theo địa hình mà khai thác các thửa ruộng bậc thang có kích thước phù hợp.

Canh tác ruộng bậc thang được đánh giá là đỉnh cao của quá trình đưa cây lúa nước từ vùng thấp lên trồng cấy ở vùng cao, với kỹ thuật phát triển ruộng bậc thang đạt đến trình độ cao của mình, người Hà Nhì được coi là một trong số ít dân tộc phát triển ruộng bậc thang sớm nhất của tỉnh Lào Cai.Trong canh tác ruộng bậc thang, chọn vị trí khai phá ruộng bậc thang là việc quan trọng hàng đầu bởi nó quyết định tới chất lượng canh tác. Vị trí lý tưởng nhất là những địa điểm gần với thôn bản, ở phía dưới khu dân cư, những sườn đồi không có độ dốc quá lớn và đặc biệt ưu tiên hàng đầu đó là gần nguồn nước, gần rừng già. Bởi yếu tố nước là yếu tố quyết định sự sống còn của các thửa ruộng bậc thang, mà rừng chính là nơi giữ gìn và bảo vệ nguồn nước chảy mãi. Chất đất có màu mỡ hay không là yếu tố quan trọng thứ hai trong việc chọn vị trí khai thác. Khi quỹ đất gần các khu dân cư đã được khai thác hết, họ sẽ tiến hành khai thác những triền đồi, núi xa hơn thuận lợi về nguồn nước và gần rừng già. Những nơi không có nguồn nước được khai thác trở thành nương, rẫy trồng các loại cây hoa màu, lương thực phụ trợ cho cuộc sống.

Theo kinh nghiệm của người Hà Nhì, loại đất tốt nhất để khai phá ruộng bậc thang là đất nằm dưới các khu rừng già, rừng nguyên sinh, có nhiều cây mọc, đất màu nâu đen, có độ xốp cao,… độ dốc không quá lớn.  Để biết được đất có tốt hay xấu thì họ sẽ đào ở các vị trí khác nhau trong khu đất, mỗi hố sâu xuống khoảng 15 – 20cm, nếu đất ở dưới so với đất bề mặt có màu nâu đen giống nhau, đất tơi xốp thì đó là loại đất tốt thuận lợi cho cây lúa phát triển. Đối với khai thác ruộng bậc thang độ ẩm của đất không được quan tâm nhiều và không phải nhân tố quyết định vì nước sẽ được đưa từ ngoài vào trong thời gian canh tác.

Khi lựa chọn được những khu đất phù hợp, gia đình sẽ nhờ nam giới khỏe mạnh trong bản giúp đi khai phá nương thành ruộng. Thời gian đi khai ruộng thường vào thời điểm nông nhàn, bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Công cụ sử dụng để khai phá ruộng gồm có dao phát, dao chặt, thuổng, cuốc, xẻng, rìu,… các loại dao phát, dao chặt, rìu dùng để chặt những cây to, cây nhỏ mọc trên đất, cuốc để cuốc đất và san tạo mặt phẳng, thuổng được dùng để đào các rễ cây ăn sâu xuống đất, xẻng dùng để xúc đất đắp bờ. Để khai phá được một triền ruộng bậc thang tùy vào nhân lực tham gia thực hiện mà mất một đến vài năm, cứ khai thác ruộng đến đâu họ trồng cấy và cải tạo đất tới đó.

Mặt của bờ ruộng thường được làm rộng 20 – 30 cm, đủ để người đi qua trong quá trình chăm sóc cây lúa. Chiều cao của bờ ruộng thường từ 15 đến dưới 20 cm, đây là chiều cao được người Hà Nhì tính toán phù hợp để giữ nước cho ruộng, giữ đúng lượng nước cần thiết, lượng nước thừa sẽ tràn bờ chảy ra ngoài tránh hiện tượng ngập úng cây lúa. Bờ ruộng được đắp bằng hỗn hợp đất và đá lẫn trong ruộng tạo độ chắc chắn không dễ bị sạt lở. Mỗi mùa cày cấy, người dân lại kiểm tra, đắp vá bờ đảm bảo bờ ruộng chắc chắn, giữ nước trong quá trình canh tác.

Người Hà Nhì có câu “đàn ông không đi cấy, đàn bà không đi cày” đã phần nào nói đến tập quán canh tác, quá trình phân công công việc của người Hà Nhì. Công việc cày bừa, chuẩn bị đất cấy là các công việc vất vả, đòi hỏi người có sức khỏe mới đảm đương được, do đó nam giới sẽ là người đi thực hiện chính. Thời gian tháo nước ủ đông ruộng được thực hiện theo từng khu vực. Đối với các triền ruộng cao, có độ dốc lớn thì sẽ không ủ nước đông, mà việc ủ nước ruộng mùa đông chỉ thực hiện với các triền ruộng thấp, thường xuyên có nước chảy qua. Thời gian u đông được thực hiện từ sau khi thu hoạch vụ mùa và được ngâm cho đến vụ cấy của năm sau. Mục đích của phương pháp này nhằm tạo cho đất một lượng mùn cần thiết cho đất và loại bỏ các loài cỏ dại còn lại từ vụ mùa trước để mùa vụ cấy năm sau không bị cỏ.

Người Hà Nhì không có tập quán gieo xạ lúa trên các khu ruộng bậc thang như một số dân tộc anh em khác, mà họ thực hiện quy trình gieo mạ và cấy lúa để đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt nhất. Người Hà Nhì sử dụng cả giống lúa cổ truyền và giống lúa mới. Các giống lúa cổ truyền gồm có: Lúa đỏ (thê nhi), vu lú cù, lọ cừ, sé nhi. Các giống lúa mới gồm có: lúa cao sản, lúa chất lượng cao, lúa nhị ưu 383,… Khi gieo mạ, thóc giống được người gieo vãi đều trên mặt ruộng đã được bừa phẳng, người gieo sẽ đi vòng quanh luống mạ vãi thật đều tay để những hạt thóc giống mọc đều không dày và không bị thưa quá.

Trong quá trình canh tác người Hà Nhì tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm đoán định thời tiết nông vụ, đây là những tri thức quý được tích lũy trong quá trình canh tác nương ruộng giúp con người thích ứng với điều kiện tự nhiên.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Hà Nhì quan niệm cây cỏ, đất, đá,… cũng có linh hồn. Bởi vậy trong quá trình canh tác nông nghiệp người Hà Nhì có rất nhiều nghi lễ, tập quán, tín ngưỡng liên quan đến cây trồng mà điển hình là các nghi lễ cầu mùa liên quan trực tiếp đến canh tác ruộng bậc thang bao gồm: nghi lễ cúng Mu Thu Gio, lễ hội Khô già già, nghi lễ cúng cơm mới, nghi lễ cúng ruộng mạ, ruộng lúa và nhiều tập tục kiêng kỵ khác liên quan đến canh tác cây lúa trên ruộng bậc thang. Việc thực hiện các nghi lễ tâm linh giúp người Hà Nhì yên tâm sản xuất, họ tin rằng được các vị thần linh phù hộ cây lúa sẽ tốt tươi, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, bản làng ấm no, hạnh phúc. Mỗi nghi lễ đều được chuẩn bị chu đáo, tổ chức một cách trang trọng nhất bằng tấm lòng thành kính đối với các vị thần.

Có thể thấy không gian của di sản tri thức canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì là một không gian rộng đó là không gian những thửa ruộng bậc thang trải dài, trải rộng khắp các triền đồi, triền núi do người Hà Nhì khai phá và canh tác hàng trăm năm nay.

Tri thức dân gian canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì được hình thành và trao truyền qua rất nhiều thế hệ, luôn được kế thừa và tiếp thu các tinh hoa văn hóa để ngày càng hoàn thiện. Đó là sản phẩm thể hiện trí tuệ, sức chinh phục thiên nhiên và kỹ thuật của người Hà Nhì. Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, kỳ vỹ như ngày nay, cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã phải trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng. Tri thức dân gian canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì cho thấy quá trình thích nghi, ứng xử với môi trường tự nhiên của cộng đồng người Hà Nhì. Đó là lối ứng xử hài hòa, nương theo tự nhiên, bảo vệ môi trường góp phần vào phát triển bền vững./.

TRUNG HIẾU – PHÒNG VĂN HOÁ VÀ TT