BXĐT – Trang phục là một trong những nét đặc trưng thể hiện rõ bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung, cũng như các dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là các khu vực thành thị không còn được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày. Trước nguy cơ mai một huyện Bát Xát đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Ngày hội trang phục dân tộc tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện
Trang phục dân tộc Mông xã Pa Cheo
Huyện Bát Xát hiện có 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Cụ thể hóa Đề án số 05/ĐA-HU về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025”, Hưởng ứng “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tháng 4.
Vẻ đẹp các trang phục dân tộc tại trường Mần non Thị Trấn
Trang phục dân tộc Dao đỏ Phìn Ngan
Ngay từ ngày đầu phát động đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động. Các trang phục dân tộc xuất hiện với đủ màu sắc, từ công sở đến các buổi hội họp, sinh hoạt… Đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh tà áo dài duyên dáng thướt tha, đến những bộ trang phục rực rỡ của dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông, hay đơn giản nhưng thanh thoát của dân tộc Dáy…
Nét đẹp trang phục Hà Nhì
Trang phục Truyền thống Người Dao đỏ xã Nậm Pung
Hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của trang phục các dân tộc trong đời sống, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng. Với những hiệu ứng tích cực từ việc phát động mặc trang phục dân tộc đã thực sự góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của các dân tộc.
Theo Đức Tiến – Cổng TTĐT huyện Bát Xát