BÁT XÁT PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA, DI TÍCH DANH THẮNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Văn hoá theo nghĩa rộng là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Theo nghĩa hẹp thì văn hoá là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm hoạt động giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức,…). Văn hoá cũng bao gồm cả văn hoá vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, di sản văn hoá,…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương…). Trong khuôn khổ bài viết này việc sử dụng định nghĩa “Văn hoá” chủ yếu là theo nghĩa hẹp, nói đến các giá trị văn hóa được chưng cất, kết tinh ổn định thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất của mỗi dân tộc, địa phương.

 Từ góc tiếp cận trên, để du khách có những hình dung cơ bản về diện mạo đời sống văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, bài viết này chủ yếu đề cập những nét chính khái quát tiêu biểu về các di tích lịch sử văn hóa, di tích danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghề truyền thống, kiến trúc, trang phục, âm nhạc, ẩm thực,…trong mối quan hệ gắn kết với công tác quản lý văn hóa và phát triển du lịch.

1. Bát Xát – Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt, địa danh giàu bản sắc văn hóa và dư địa phát triển du lịch,…

Đến với Bát Xát, du khách chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với công trình Cột cờ Lũng Pô   xã A Mú Sung, tọa lạc trên ngã ba sông – là công trình có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ đất liền của vùng Tây bắc Tổ quốc. Là huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có khí hậu đa dạng và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với nhiều địa danh nổi tiếng. Từ quá trình kiến tạo địa chất và yếu tố địa hình đã hình thành hệ thống núi cao, thác nước, biển mây, rừng già Y Tý với nhiều loài hoa đẹp, phong cảnh nguyên sơ, huyền bí. Bản sắc văn hóa 23 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng, được biểu hiện sinh động qua kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, văn hóa ẩm thực đặc sắc, tri thức dân gian bản địa và nhiều lễ hội, ngày hội của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì,…nay vẫn được giữ gìn, phát huy.

Để đánh thức các tiềm năng lợi thế về du lịch, kế thừa thành quả của giai đoạn trước và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án số 05-ĐA/HU ngày 01/12/2020 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Bát Xát, giai đoạn 2020-2025” trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng quản lý, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy Lào Cai theo yêu cầu Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết 36-NQ/TU về định hướng không gian phát triển của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Huyện đã phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh công tác quy hoạch, trọng tâm là khu vực Y Tý; rà soát thống kê, quản lý các tài nguyên du lịch; xây dựng Đề án phát triển Du lịch Y Tý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Kế hoạch để cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, qua các sự kiện, hội nghị; bước đầu hình thành và gắn kết các chuỗi sản phẩm OCOP, các đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch; củng cố và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch với việc thành lập BCĐ du lịch cấp huyện, thành lập Tổ quản lý du lịch Y Tý – Mường Hum và xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý Di tích và phát triển du lịch cấp huyện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động với nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo phù hợp với tình hình cụ thể, đồng thời tăng cường trong công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết và đánh giá nhân rộng với những mô hình hay, hiệu quả. Lũy kế từ 2016 đến nay, công tác quản lý và phát triển du lịch của huyện Bát Xát đã có bước chuyển biến rõ nét với nhiều điểm sáng tích cực, toàn huyện đã đón khoảng 600.000 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 772,7 tỷ đồng góp phần quan trọng vào doanh thu, đưa tỷ trọng doanh thu du lịch trong cơ cấu thương mại – dịch vụ trên địa bàn huyện đạt gần 5,3%.

Về văn hóa, trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, các quy định của Luật di sản văn hóa trong đó xác định di sản văn hóa là “tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc,…”, Bát Xát đã thực hiện rà soát, đánh giá, kiểm kê kỹ lưỡng các di sản, là “vốn liếng” truyền thống quý giá của đồng bào 23 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện. Từ đó huyện đã có những chỉ đạo và kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch, thực sự coi di sản là chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch, là cơ sở bền vững thu hút khách du lịch; đến lượt mình thông qua phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa được quảng bá và thăng hoa, để cộng đồng được hưởng lợi từ chính giá trị di sản văn hóa của cộng đồng. Nhờ thế công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý và khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện có những chuyển biến về chất. Qua đó các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện được thể hiện qua kiến trúc truyền thống, các lễ hội, văn hóa ẩm thực phong phú của từng dân tộc, các nghề thủ công truyền thống được lưu giữ và phát triển.

Đến nay, huyện Bát Xát có 02 di tích được công nhận cấp Quốc gia, đó là di tích lịch sử – văn hóa Động Mường Vi, di tích danh thắng ruộng bậc thang thung Lũng Thề Pả (xã Y Tý, xã A Lù); 02 di tích cấp tỉnh là di tích lịch sử – văn hóa Đền Mẫu Trịnh Tường và di tích danh lam thắng cảnh đường đá cổ Pavie (xã Sàng Ma Sáo). Theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại văn bản số 494/UBND-VX ngày 26/1/2024 của UBND tỉnh Lào Cai về việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh; UBND huyện Bát Xát đã ban hành kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 03/4/2024 về xây dựng hồ sơ di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trên địa bàn huyện năm 2024, trong đó đã phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao, các cơ quan chuyên môn đã hoàn thành việc lập hồ sơ và đang thực hiện trình đề nghị UBND tỉnh công nhận 05 di tích, danh thắng cấp tỉnh (gồm: thác Ong chúa xã Sàng Ma Sáo; đỉnh Nhìu Cồ San 2.965m xã Sàng Ma Sáo; đỉnh Ky Quan San 3.046m; đỉnh Lảo Thẩn 2.860m; đỉnh Pu Ta Leng 3.049m xã Trung Lèng Hồ.

Công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của di tích của huyện cũng đã nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, huyện Bát Xát đã tích cực xã hội hóa các nguồn lực trong việc trùng tu các di tích lịch sửa văn hóa trên địa bàn. Tiêu biểu là công trình Đền Mẫu Trịnh Tường khởi công trùng tu từ tháng 6 năm 2020. Sau hơn 3 năm thực hiện trùng tu, tôn tạo các hạng mục với tổng dự toán 21,6 tỷ đồng. Đến nay, Đền Mẫu Trịnh Tường đã hoàn thành giai đoạn 2; quy mô tầm vóc được nâng cấp mở rộng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách thập phương. Cũng là cơ sở để phát triển các chương trình du lịch văn hóa – tâm linh, chương trình du lịch về nguồn – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, theo dọc sông Hồng kết nối từ đền Bảo Hà (Bảo Yên) – Đền Thượng (thành phố Lào Cai) – với Đền Mẫu Trịnh Tường và Cột cờ Lũng Pô (huyện Bát Xát).

Đối với văn hoá phi vật thể, có thể nói Bát Xát là vùng đất giàu truyền thống và bản sắc văn hóa. Từ truyền thống lịch sử lâu đời và đời sống văn hóa phong phú của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện đã địa bàn trực tiếp viết hồ sơ, hoặc là nơi cung cấp tư liệu quan trọng để nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị công nhận 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai gồm: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Roóng Poọc (Xuống đồng) của người Giáy; Lễ hội Khô Già Già (Cầu mùa) của người Hà Nhì đen; Chữ Nôm của người Dao tỉnh Lào Cai; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao; Lễ Gạ Ma Do (cúng rừng) của người Hà Nhì; Nghi lễ Then của người Giáy huyện Bát Xát; Lễ hội Pút tồng (Tết nhảy) của người Dao đỏ; Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì huyện Bát Xát). Các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội đều mang trong mình dấu ấn đặc sắc, phản ánh truyền thống lao động sản xuất và đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc trong quá trình chinh phục, thích ứng với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, kết tinh thành những giá trị văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm, niềm hứng thú của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là chất liệu quý giá để ngành du lịch Bát Xát có thể xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch riêng có, hấp dẫn.

Đến Bát Xát, du khách còn được chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ là các thửa ruộng bậc thang ở các xã Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Y Tý, A Lù,…Đây là kiệt tác tiêu biểu, kết tinh những tri thức dân gian tích luỹ hàng trăm năm lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì trong quá trình thích ứng với thiên nhiên vùng Tây Bắc. Cũng chính từ đặc điểm riêng của nền văn minh nông nghiệp miền núi, đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát còn bảo tồn, trao truyền và phát triển các nghề thủ công truyền thống độc đáo như nghề thủ công đan lát tre, mây, nứa, vầu; ủ bia của người Hà Nhì, chạm khắc bạc, nấu rượu của người Dao; may thêu, dệt vải, rèn nông cụ của người người Mông, Dao,…

Trí sáng tạo và bàn tay lao động cần cù còn thể hiện trong lối kiến trúc truyền thống đặc sắc, nổi bật là kiến trúc nhà ở Trình Tường của người Hà Nhì với căn nhà hình vuông bốn mái hình chóp, lập cỏ gianh lưu trữ những tri thức về năng lực thích ứng với thời tiết giá lạnh của vùng cao. Về âm nhạc truyền thống, đồng bào còn trao truyền nhiều giai điệu và nhạc cụ độc đáo, đa dạng: Đàn môi, Đàn Óc tờ, Kèn lá, Nhị của người Hà Nhì; Khèn, Sáo, Gậy Sinh tiền của người Mông; Kèn Pí lè; trống, chụm choẹ của người Giáy; Chuông, Trống của người Dao….được thể hiện hấp dẫn qua các lễ hội dân gian, sự kiện văn hóa du lịch ở địa phương.

Nói đến đặc sắc văn hoá của Bát Xát, du khách cũng không quên trong ấn tượng của mình vẻ đẹp riêng có của chợ phiên vùng cao như: chợ phiên Y Tý, Mường Hum, Trịnh Tường…Cũng tại đây, ngoài việc trao đổi hàng hóa, nông sản địa phương của người dân trong vùng, chợ phiên cũng là nơi các cô gái, chàng trai ở bản đi chợ để giao duyên tìm hạnh phúc lứa đôi. Ngày chợ phiên vì thế ai cũng làm đẹp với bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc, đeo đồ trang sức làm nên nét hấp dẫn riêng có của chợ phiên vùng cao.

Trải qua một hành trình thưởng thức các giá trị văn hóa hấp dẫn từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể, chắc hẳn du khách cũng rất quan tâm đến chủ nhân của các giá trị văn hóa – đó chính là đồng bào Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát với trên 80 vạn dân đang sinh sống. Để thích ứng với một thiên nhiên Tây Bắc tươi đẹp nhưng cũng không ít thử thách, gian lao, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo tác, hình thành những truyền thống, năng lực làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên một cách tài hoa, hài hòa, thân thiện. Trong lớp trầm tích văn hóa ấy, việc tổng hợp, khái quát và trao truyền các giá trị văn hóa bản địa không thể không nhắc đến vai trò nổi bật của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng. Những năm qua huyện Bát Xát đã thường xuyên quan tâm rà soát, lập hồ sơ đề nghị công nhận đối với những người sở hữu những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, tập quán xã hội, văn hóa, văn nghệ độc đáo. Các nghệ nhân sau khi được công nhận đã từng bước phát huy được vai trò hạt nhân trong giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là sợi dây kết nối các yếu tố truyền thống và hiện đại. Chính các nghệ nhân cùng với người có uy tín, già làng, trưởng bản có vai trò quan trọng trong định hướng các giá trị truyền thống, vận động Nhân dân đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, trách nhiệm bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình ở địa phương.

          Khát vọng phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Y Tý trở thành khu du lịch đặc sắc, hướng tới trở thành khu du lịch quố gia

Xuất phát từ lợi thế riêng có về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên, hình thành nên tiềm năng du lịch đa dạng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đưa ra mục tiêu phấn đấu năm 2025, Bát Xát sẽ đón 1,2 triệu lượt khách. Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phần định hướng lĩnh vực du lịch xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Y Tý trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia; tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 27/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu quan điểm định hướng huyện Bát Xát tập trung “phát triển du lịch là đột phá”; trong đó “hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị vân hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên”.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nhiệm vụ trên, huyện Bát Xát cũng xác định rõ ngoài việc nhận thức đầy đủ tiềm năng, lợi thế thì cũng cần nhận diện sâu sắc, đầy đủ những khó khăn, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả đó là: Một số địa phương cơ sở chưa có những giải pháp sáng tạo để triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và phát triển du lịch một cách hiệu quả. Chưa huy động được sự tham gia chủ động, tự giác của cộng đồng. Việc khai thác và huy động đầu tư, thu hút du khách ở một số di tích, danh thắng, tài nguyên chưa hiệu quả; một số hoạt động du lịch ở các đỉnh núi còn diễn ra tự phát, ảnh hưởng đến việc bảo vệ giá trị của tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, địa hình chia cắt mạnh, giao thông kết nối, các hạ tầng du lịch tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (Yagi); nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch còn nhiều bất cập. Vì vậy việc khai thác, quản lý các di tích, các danh lam thắng cảnh du lịch trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn và chưa phát huy được hiệu quả cao.

Với mục tiêu, nhiệm vụ và khát vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 Bát Xát đón 1,8 triệu lượt khách thì Bát Xát cần đề ra hệ thống các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, khả thi để quyết tâm thực hiện. Trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành văn hóa du lịch Bát Xát và các xã, thị trấn cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách sáng tạo là đòi hỏi bức thiết và phù hợp với xu thế. Trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là:

Một là, tiếp tục phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh tiến độ quy hoạch không gian phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa trong đó trọng tâm là quy hoạch phân khu xây dựng đô thị du lịch Y Tý đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy hoạch. Kiến nghị,  huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị du lịch Y Tý để từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V đến năm 2030 theo lộ trình; phát triển hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng du lịch sớm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường: QL 4E, Tỉnh lộ 155, 156, 156B, 158, tuyến đường Trịnh Tường   Phìn Hồ – Ý Tý; các tuyến đường đối ngoại; nâng cấp  các tuyến đường đến trung tâm các xã, trung tâm các điểm du lịch cộng đồng, các địa bàn có lợi thế phát triển du lịch, nông nghiệp, làng nghề truyền thống (Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Mường Hum,..). Từng bước đầu tư hoàn thiện các hạ tầng du lịch khác như cơ sở lưu trú, dịch vụ, điểm checkin, ngắm cảnh; hạ tầng viễn thông, điện, nước, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; hệ thống biển thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về du lịch; …

Kiến nghị và ưu tiên nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; triển khai các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân tham gia tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Hình thành điểm, các chương trình du lịch văn hóa tâm linh, chương trình du lịch về nguồn với điểm Cột cờ Lũng Pô, di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu Trịnh Tường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống di tích trên địa bàn, trên cơ sở đó phối hợp với các sở ngành tham mưu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích khoa học, khách quan, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về di tích trên địa bàn. Phát triển các đội văn nghệ dân gian đậm bản sắc dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao (Bài hát cổ, dân ca, múa gậy Sênh tiền, múa Khèn mông…). Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống của các dân tộc. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất bảo tàng văn hóa các dân tộc tại các địa bàn trọng tâm như Y Tý, Mường Hum,… Gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; sưu tầm và phát huy giá trị của văn hóa, văn học dân gian; phát huy vai trò truyền bá, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của các nghệ nhân thông qua các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh hoạt động diễn giải văn hóa, lịch sử gắn với trưng bày, giới thiệu tại các điểm di tích để làm nổi bật giá trị của di tích, điểm du lịch, danh thắng.

Ba là, có kế hoạch phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, cụ thể:

– Sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng: Hoàn thiện điểm du lịch cộng đồng Lao Chải, Choản Thèn (Y Tý), Ngải Trồ (Dền Sáng), Nhìu Cồ San (Sàng Ma Sáo) đảm bảo theo Luật du lịch 2017, trong đó đề xuất đầu tư một số điểm du lịch cộng đồng đạt các tiêu chí ASEAN, TCVN theo lộ trình. Nghiên cứu, hệ thống hoá và phát triển các sản phẩm du lịch tái hiện, trình diễn, giới thiệu, quảng bá nét độc đáo về các sự tích trong văn hoá tâm linh của các dân tộc,…

– Sản phẩm du lịch lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp: Thu hút nhà đầu tư lớn, uy tín trong nước và quốc tế xây dựng khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa lành… đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên.

– Sản phẩm Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp: Xây dựng các điểm dừng chân ngắm cảnh săn mây; đầu tư bảo tồn và khai thác hệ sinh thái rừng, thác nước, sắc hoa tại khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát gắn với quản lý, bảo vệ, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái theo đề án được phê duyệt.

– Sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm: Đầu tư hạ tầng cơ bản các tuyến leo núi được đưa vào khai thác: Tuyến Lảo Thẩn 2.860m; tuyến Cú Nhù San 2.662m; tuyến Ky Quan San (3046m), Putaleng (3049m); các tuyến trecking thác Xanh   Lao Chải; Tuyến thác Hồng Ngài; tuyến Thác Thiên Sinh; phát triển cung đường đua xe đạp địa hình: Phìn Hồ – Phan Cán Sử – Ngải Thầu thượng   A Lù   Y Tý, khai thác cung đường trên mây ngắm cảnh, trải nghiệm, glamping.

– Nâng cấp, chuyên nghiệp hóa sản phẩm du lịch sự kiện văn hóa – du lịch: Chuỗi Lễ hội mùa Thu, lễ hội văn hóa – ẩm thực Mường Hum, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, các sự kiện truyền thống Lễ hội Khô Già Già,… làm điểm nhấn văn hóa truyền thống thu hút du khách; tổ chức khai thác các lễ hội như Lễ Gạ Ma Do (Cúng rừng) ở thôn Lao Chải, Choản Thèn,…gắn với các sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm văn hoá. Duy trì và tổ chức tốt các sự kiện thể thao như Giải đua xe đạp địa hình đi giữa mùa hoa Đỗ quyên trở, chạy marathone đường đá cổ Pavie, phát triển các sản phẩm du lịch thể thao mới: Xây dựng chương trình và khai thác cung đường chạy Marathone: Giải chạy Marathone   đi qua miền di sản,…

– Phát triển sản phẩm du lịch biên giới: Xây dựng những sản phẩm hợp tác Quốc tế với Trung Quốc: Chương trình (Tour) tham quan trong ngày: Kết nối Y Tý   xã Mã Ngan Tý, khai thác sản phẩm chợ phiên Tỷ Sín Pờ, xã Mã Ngan Tý, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam Trung Quốc; Tour tham quan checkin cột mốc biên giới,…

– Sản phẩm du lịch khác: Xây dựng, bảo tồn nghề thủ công truyền thống: Làng Nghề đan lát, nghề nấu rượu thóc Sim San, nghề nấu bia Hà Nhì, nghề thêu may thổ cẩm, nghề sản xuất chè cổ thụ … Chợ phiên: Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm bày bán tại chợ đặc biệt là các sản phẩm nông sản địa phương. Cửa hàng bày bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại chợ; không gian văn hóa dân tộc,…Từng bước số hóa các di sản, các di tích danh lam để xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo.

Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích và phát triển du lịch từ cấp huyện đến cơ sở. Sớm tham mưu trình cấp có thẩm quyền, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ và đi vào hoạt động ổn định hiệu quả hoạt động của Ban quản lý di tích và phát triển du lịch huyện Bát Xát khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản, phổ biến pháp luật về di sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm giới thiệu về di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích.

Năm là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, quản lý và phát triển du lịch. Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực di tích, di sản. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản, quản lý di tích theo hướng tập trung đào tạo để hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quản lý di tích. Tổ chức tập huấn cho cho những người làm công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích, đội ngũ quản lý và nhân viên tại các di tích theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Từng bước xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm di tích có kiến thức về lịch sử văn hóa, có khả năng sử dụng ngoại ngữ để thuyết minh, hướng dẫn khách đến tham quan, chiêm bái.

Có thể nói để những giá trị di sản văn hóa được thăng hoa, việc bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch là cách làm thành công đã được thực tiễn kiểm nghiệm ở nhiều địa phương trong đó có Bát Xát. Những thành tựu bước đầu trong những năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo nên kết quả ấn tượng này. Các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và bền vững. Chính các giá trị văn hóa lan tỏa qua các hoạt động, sản phẩm du lịch văn hoá là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch, là cơ sở vững chắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Bát Xát.

Phạm Tâm