Lễ hội Khu già già “Lễ hội cầu mùa” của người Hà Nhì đen ở Bát Xát Lào Cai – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được coi là một trong những nghi lễ lớn nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức vào mùa hạ (Tháng 6 âm lịch) diễn ra trong 4 ngày, từ ngày Thìn – con rồng (Lò no), ngày tỵ – con rắn (Xê no), ngày Ngọ – con ngựa (Mò no), ngày Mùi – con dê (Dư no) ở các thôn, bản của người Hà Nhì đen, tại các xã Y Tý, A Lù, Trịnh Tường, Nậm Pung, A Mú Sung thuộc huyện Bát Xát. Lễ hội tổ chức nhằm mục đích cầu mùa, cầu mong sự sinh sôi phát triển, cầu thần rừng, thần thổ địa, thần nước phù hộ cho bản làng được bình yên, con người được mạnh khỏe…
Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Bát Xát nói chung và của người Hà Nhì nói riêng, năm nay Lễ hội Khu già già được tổ chức với quy mô cấp huyện, nằm trong khuân khổ chuỗi Lễ hội Mùa Thu của huyện Bát Xát, Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 2/7 đến ngày mùng 5/7 dương lịch (Tức ngày 4/6 đến ngày 7/6 Âm lịch).
Đây là Lễ hội đặc sắc nhất và có quy mô lớn nhất trong năm của người Hà Nhì đen. Vì đây là thời điểm cây lúa, cây ngô và một số loại cây hoa màu khác đang bắt đầu sinh sôi, phát triển, rất cần sự ủng hộ của thời tiết, cần đến mưa thuận gió hòa. Để chuẩn bị lễ hội này, ngày đầu tiên diễn ra Lễ hội là ngày Thìn (Lò no) (năm nay vào ngày 2/7 dương lịch, tức ngày 4/6 Âm lịch ), tất cả người dân bản cùng nhau lấy cây gỗ tốt, cây cỏ tranh trong rừng về sửa lại lán Công viên;
Ngày thứ 2 ngày Tỵ (Xê no), tất cả các gia đình trong thôn bản góp mua 1 con trâu và làm nghi lễ mổ trâu tại lán công viên để làm lễ vật cúng thần và dâng cúng tổ tiên ở mỗi gia đình. Vào buổi sáng Sau khi làm lễ mổ trâu xong đuôi, tim, gan, 2 dẻ xương sườn và 2 đốt xương sống được giữ lại để làm lễ vật dâng cúng Thần Rừng vào ngày hôm sau, còn thịt trâu được mọi người chia đều cho các hộ gia đình trong thôn để cúng tổ tiên. Nghi Lễ cúng tổ tiên diễn ra vào buổi chiều ngày hôm đó, các gia đình sẽ về nhà mình chuẩn bị lễ vật cúng trên bàn thờ tổ tiên (a bô hơ đà) gồm có: 1 bát bánh gồm 5 cái bánh giầy (hò thò); 1 bát rượu nếp cái ủ (dứ pà); 1 bát thịt trâu (Nhìu sà) gồm có 5 miếng; 1 bát nước chè gừng; 1 đôi đũa. Tất cả các món ăn này đều do ông chủ nhà và người vợ trực tiếp chế biến, nếu người vợ ốm yếu hay đã mất thì người con gái lớn phải thay mẹ nấu hoặc người con dâu lớn phải làm.
Ngày thứ 3, ngày Ngọ (Mò no), buổi sáng người đàn ông sẽ lên rừng lấy dây rừng và cây gỗ chắc để dựng cột Đu quay (a gúy) và đu dây (a gừ) tại lán công viên, đây là một trong 2 trò chơi rất quan trọng trong Lễ hội – sự sinh sôi phát triển được thể hiện qua các nghi lễ dựng cột và thân cây đu của trò chơi với ước mong âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở, ngũ cốc phong đăng. Vào buổi chiều dân bản tổ chức nghi lễ cúng Thần Rừng tại lán công viên, chỗ dựng Đu dây và Đu quay, hai ông thầy cúng (Gạ ma à guy) có trách nhiệm chuẩn bị hai mâm lễ vật dâng cúng thần, số bát lễ vật dâng cúng thần của hai ông bao giờ cũng nhiều hơn các hộ gia đình khác ít nhất là 2 bát (nếu mâm cúng thần của ông thầy cúng là 12 bát thì dân bản là 8-10 bát).
Sau phần tổ chức nghi lễ chung cúng Thần rừng và tổ tiên tối hôm đó mọi người sẽ cùng tham gia chơi các trò chơi truyền thống: Chơi đu dây (a gừ), đu quay (a gúy). Điều lưu ý trước khi khai trò chơi là, hai ông thầy cúng sau khi làm nghi lễ cúng thần tại nơi làm trò chơi này xong, sẽ là người chơi trò chơi trước, sau đó mọi người mới cùng nhau tham gia chơi trò chơi và cùng nhau múa hát … Đối tượng đến chơi không hạn chế về số lượng, lứa tuổi.
Ngày thứ 4 ngày Mùi – (Dư no) người dân bản đi chơi, thăm hỏi, chúc tụng nhau làm ăn, mạnh khỏe …
Thông qua nội dung và hình thức tổ chức lễ hội, các yếu tố mang “tính thiêng” trong các nghi thức, nghi lễ khi thực hiện tỏ lòng tôn kính đến các đấng thần linh, các biểu tượng mang “tính phồn thực” luôn cầu mong cho cây trồng phát triển, mùa màng bội thu . Nét độc đáo của lễ hội là một ngày lễ, kế đến là một ngày hội, rồi lại tiếp tục lễ, hội… Trong những ngày lễ hội, người dân được vui chơi thoải mái, thăm hỏi chúc nhau những điều tốt lành, kết thúc lễ hội toàn thể người dân lại tiếp tục các công việc đồng áng, chăm sóc cây trồng.
Lễ hội Khu già già mang đậm nét văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa đời sống tâm linh và tinh thần đoàn kết dân tộc. Việc tổ chức trải nghiệm Lễ hội Khu Già Già tại các thôn bản của người Hà Nhì tại xã Y Tý trong chuỗi Lễ hội Mùa thu của huyện, nhằm giới thiệu đến du khách hiểu hơn về văn hoá tín ngưỡng của dân tộc Hà Nhì, đồng thời quảng bá và bảo tồn, phát huy Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá của huyện Bát Xát trong giai đoạn đến năm 2025.