KHÔ GIÀ GIÀ – NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ

Nhắc đến Y Tý là nhắc đến vùng đất ẩn hiện trong những tầng mây, gắn với hình ảnh người dân tộc Hà Nhì Đen và Mông. Ấy vậy, Y Tý đại ngàn còn mang trong mình vẻ đẹp văn hóa hòa cũng cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Trong đó, không thể không kể đến lễ hội của đồng bào Hà Nhì Đen sinh sống ở thôn Lao Chải, Choản Thèn, Mò Phú Chải….

Không chỉ có văn hóa tâm linh đặc sắc, người Hà Nhì ở Y Tý còn có nhiều sự kiện, chi tiết lịch sử, truyền thuyết độc đáo về Thần Đất, Thần Rừng, Thần Nước. Thần Đất kiến tạo những khoảng đất màu mỡ, những thung lũng rộng lớn với những cánh đồng ruộng bậc thang trập trùng. Rừng nguyên sinh – Thần Rừng – bảo vệ, che chở và bao bọc cho bản làng người Hà Nhì. Dòng suối Lũng Pô (ranh giới Việt Nam – Trung Quốc) là hiện thân của Thần Nước, duy trì sự sống của thế giới Hà Nhì vùng sơn cước.

Cũng bởi cuộc sống gắn liền với những thung lũng ruộng bậc thang nên vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch, người Hà Nhì tổ chức lễ cúng Khô Già Già (Khu Già Già). Đây được coi là lễ hội đặc sắc và có quy mô lớn nhất trong năm. Vào thời điểm này, cây lúa, ngô và một số cây hoa màu bước vào thời kỳ sinh trưởng nên yếu tố thời tiết quyết định mùa vàng bội thu hay không?

Người dân trong thôn cùng nhau lợp lán trong ngày đầu tiên. Ảnh: Hoàng Kiều.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, tất cả các gia đình trong thôn góp tiền mua trâu làm lễ vật. Tuy nhiên, nếu năm nào kinh tế khó khăn hoặc không mua được trâu, người dân mua lợn thay thế. Họ cùng nhau lên rừng cắt cỏ gianh về lợp lại mái lán thờ, phát dọn cây cỏ, vệ sinh lán thờ sạch sẽ vào ngày Thìn. Lán thờ được đặt ở rừng công viên (nằm ở cuối làng). Ngày thứ 2 làm lễ cúng thần. Sau khi làm lễ xong, thịt trâu được chia cho người dân trong thôn còn đuôi, tim gan, 2 dẻ xương sườn, 2 đốt xương sống được giữ lại làm lễ vật cúng Thần Rừng.

Hai mâm lễ vật dâng cúng thần do hai ông thầy cúng (gạ ma à guy) chuẩn bị. Hai thầy cúng được chọn là những người có uy tín trong thôn, gia đình phải trong sạch (không có tang ma trong vòng 3 năm trở lại, gia đình không có ai ly hôn, dính đến tệ nạn xã hội….). Bên cạnh đó, số bát dâng cúng thần của họ cũng nhiều hơn người dân trong thôn (thầy cúng 12 bát, người dân 8 -10 bát). Lễ vật cúng trên bàn thờ tổ tiên gồm có: 1 bát bánh giày (5 chiếc), 1 bát rượu nếp cái ủ, 1 bát thịt trâu (5 miếng), 1 bát nước chè gừng, 1 đôi đũa. Các món do ông chủ nhà và vợ trực tiếp chế biến (nếu vợ chết thì do con gái lớn hoặc con dâu lớn làm).

Sau lễ cúng, nam giới sẽ ngồi lại ăn cơm. Ảnh: Hoàng Kiều.

Lễ cúng kết thúc, nam giới đại diện cho mỗi gia đình sẽ ngồi tại lán thờ ăn cơm, bàn các công việc lớn của thôn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm xây dựng cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái….

Vào ngày cuối của lễ hội, người dân trong thôn cùng nhau tham gia những trò chơi mang đậm yếu tố phồn thực như: chơi đu dây, đu quay, múa trùm chăn…. Trong 3 ngày tiếp theo, họ kiêng không chặt cây, cắt cỏ, băm chặt….

Mục đích của nghi lễ Khô Già Già nhằm cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thôn bản có cuộc sống ngày càng no ấm. Đồng thời, nghi lễ này cũng cầu mong thần linh bảo vệ cho tất cả mọi người đến dự lễ hội, tham gia vào các trò chơi được an toàn.

Lễ hội Khô Già Già là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì, đây là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc vùng núi cao gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.

Sau khi ĐA 05 “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025” được triển khai, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và tổ chức. Đặc biệt, lễ hội Khô Già Già cũng nhận được sự quan tâm của những người đam mê du lịch trải nghiệm và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Ngọc Quỳnh – Tổ Quản lý Du lịch