Những ngày cuối năm thay vì ngồi nghĩ xem năm 2021 mình đã làm được gì hãy xách ba lô lên và đi, giống như tôi đến Lũng Pô để chìm trong cảm xúc về cuộc chiến tranh biên giới ác liệt năm 1979!
Cuối năm, dịch Covid – 19 vẫn hoành hành khắp nơi, những tỉnh miền núi phía Bắc đang là sự lựa chọn hàng đầu của tôi. Tôi là một người thích xê dịch. Một năm vừa rồi, tôi dường như chỉ “du lịch online” qua màn ảnh. Có những lúc tôi nghĩ thời gian ở nhà trong năm 2021 chiếm 4/5 quỹ thời gian.
Giáng sinh sắp tới, tôi quyết định “lên núi” thay đổi không khí. Tham khảo lịch trình trên một số trang review du lịch, tôi chọn Y Tý (Bát Xát – Lào Cai). Trong danh sách điểm dừng chân, tôi cảm thấy khá thích thú, tò mò về cột cờ Lũng Pô (A Mú Sung). Quả thật khi đến nơi có rất nhiều thứ lưu giữ tôi mãi.
Cột cờ Lũng Pô thuộc thôn Lũng Pô I, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Điểm du lịch này cách trung tâm thành phố Lào Cai tầm 60km. Đi dọc theo sông Hồng ngược về phía đầu nguồn, tôi bắt gặp các chàng trai người dân tộc sinh sống gần cột cờ đang thu hoạch sắn. Xa xa những rặng lau màu trắng, màu hồng đang đung đưa trước gió như vẫy chào du khách.
Biển chỉ dẫn thông báo chỉ còn 3km nữa sẽ đến cột cờ Lũng Pô, tôi dừng chân check – in cùng hoa dã quỳ. Loài hoa này khá nổi tiếng ở Ba Vì (Hà Nội) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Ở A Mú Sung, những khóm hoa không tập trung quy mô lớn nhưng cũng đủ để du khách check – in. Màu vàng của hoa hòa hợp với màu xanh của núi rừng tạo nên một bức trang thiên nhiên thơ mộng, hữu tình.
Chia tay hoa dã quỳ, tôi có mặt tại cột cờ Lũng Pô. Nghiêng mình trước lá cờ đỏ sao vàng, thắp nén hương tưởng nhớ bác Hồ và những chiến sĩ tử nạn trong chiến tranh biên giới năm 1979, tôi thấy tự hào, kiêu hãnh. Qua lời kể của HDV tại cột cờ Lũng Pô, hồn thiêng của sông núi, sức mạnh của cả dân tộc, khí thế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong chiến trang biên giới như sống lại. Đúng là đến nơi mới thẫm đẫm và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa sâu sắc của là cờ đỏ sao vàng!
Leo hết 125 bậc thang hình xoắn ốc lên đến đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, làng bản và ngã ba sông, tôi có được những cảm xúc đặc biệt. “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt… Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lành không, hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy…”. Giai điệu của ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” bỗng hiện lên trong suy nghĩ của tôi.
Theo chân một bạn HDV xuống cột mốc 92 – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt phóng tầm mắt về phía xa, suối Lũng Pô đang hòa cùng sông Nguyên Giang (Trung Quốc) tạo nên sông Hồng đỏ nặng phù sa. Chụp một vài bức ảnh tại ngã 3 sông, nghe một vài câu chuyện trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, tôi trầm lặng nhìn về phía nước bạn. Có thể nơi đây là một trong những điểm không thể không check – in khi đi du lịch Y Tý trong mắt dân phượt nhưng đối với tôi nơi đây ẩn chứa những câu chuyện bộ môn lịch sử không nhắc đến.
Nếu tôi nhắc đến ở đây thì bạn sẽ thấy không “thấm” như đứng tại ngã ba sông và nghe từng câu chuyện lịch sử. Cách cột mốc 92 tầm 10m là bia đá ghi: Lũng Pô Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Xung quanh đây, những rặng lau đang thi nhau khoe sắc thắm. Không thể nói hết xúc động, tự hào khi đặt chân đến đây! Tôi không nhắc đến cảnh sắc hay con người, không phải vì không ấn tượng mà bởi câu chuyện lịch sử ấn tượng quá sâu sắc!
Để lại phản hồi