Có một nơi đi chợ không chỉ để mua bán mà còn để giao lưu, kết bạn!
Khác với đô thị phồn hoa, chợ phiên ở vùng núi Tây Bắc chỉ buôn bán một ngày nhất định trong tuần. Chợ Sa Pa, chợ Bắc Hà, chợ Mường Hum,… đều họp vào chủ nhật. Chợ là nơi buôn bán các nông sản bà con tự trồng, tự làm và đồ gia dụng nhập từ miền xuôi. Đặc biệt, chợ phiên là nơi các đôi nam nữ gặp gỡ, kết bạn và giao duyên.
Chợ Mường Hum nằm giữa thị xã Sa Pa (Huyện Sa Pa) và xã Y Tý (Huyện Bát Xát). Bởi vậy du khách có 3 tuyến đường để lựa chọn. Tuyến 1 từ thị xã Sa Pa (dành cho khách du lịch đã lưu trú tại Sa Pa); tuyến 2 từ Y Tý (dành cho khách du lịch đã lưu trú tại Y Tý); tuyến 3 theo tỉnh lộ 156 vượt 24km đường đèo (dành cho khách xuất phát thành phố Lào Cai). Dù xuất phát ở điểm nào, du khách cũng được trải nghiệm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng.
Chợ phiên bắt đầu từ sớm nên muốn trải nghiệm, du khách phải đến khi bình minh. Chợ nức tiếng một phần là nhờ dòng nước xanh thẳm của suối Mường Hum, xa xa mây mù uốn lượn trên đỉnh núi phía xa. Đứng trên cao nhìn xuống, từ khắp các thôn Trung Lèng Hồ, Nậm Pung, Dền Sáng người dân tay xách, lưng địu con, gùi nông sản xuống chợ. Ngày nay, người dân đã có xe máy, ô tô. Chục năm về trước, họ sử dụng ngựa để thồ hàng, di chuyển.
Đến chợ, đi qua những gian hàng ẩm thực địa phương mùi bánh, mùi phở thơm nức mũi níu chân du khách. Người dân sống quanh khu vực chợ Mường Hum thường trêu rằng: “Cả tuần chỉ đợi đến sáng chủ nhật để được đi chợ ăn bát phở tráng nóng hổi”. Hương vị đậm đà của nước dùng được ninh từ xương, vị thơm dẻo của phở tráng làm thủ công làm nao lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Đa số tại chợ bày bán những món bánh truyền thống của dân tộc Giáy như bánh phổi trâu (có men rượu), bánh dày, bánh Cháu Hao (tiếng Kinh: đầu trắng), bánh rán mật,… Giá của những chiếc bánh giao động 1.000 – 2.000VNĐ. Phở tráng thịt lợn, thịt lợn nướng, gà, lòng phèo,… giao động 20.000 – 25.000VNĐ/bát. Bởi vì đây đều là những món ăn dân dã của các dân tộc sống trên địa bàn xã Mường Hum nên giá thành rất mềm.
Dạo một vòng quanh chợ, du khách sẽ bắt gặp một vài người đang “gạ” các cô gái người H’mong, Dao, Giáy,… bán tóc; thậm chí còn gặp một số thầy lang đang giao bán thuốc được hái trên rừng về.
Thế nhưng, tất cả những điều ấy chưa đủ để tạo lên tiếng thơm cho chợ phiên phố núi Mường Hum. Tại đây, nam thanh nữ tú đến tuổi cập kê sẽ gặp nhau tại cầu ven suối hay khoảng đất trống cạnh chợ để giao lưu, kết bạn. Họ dùng tiếng sáo, tiếng khèn,… để thổ lộ tình cảm của mình. Những mối tình chân chất, mộc mạc cứ thế mà đâm chồi, nảy lộc.
Người phụ nữ dân tộc Dao mặc trang phục thêu hoa rực rỡ, quấn khăn, đeo trang sức bạc để thu hút ánh nhìn. Ngày nay, bên cạnh trang phục dân tộc, những cô gái người Dao, Giáy, H’mong,… mặc quần áo người Kinh mỗi khi xuống chợ.
Một góc khác, những phụ nữ trung niên đang hàn huyên, tâm sự cùng những người bạn lâu ngày không gặp. Người nói, người cười làm chợ phiên thêm phần huyên náo. Chợ phiên là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại xã Mường Hum – vừa là nơi trao đổi hàng hóa vừa là nơi gửi gắm tình cảm.
Để lại phản hồi