Công viên không… đồ chơi ở Y Tý

Hóa ra một công viên không có đồ chơi, không cỏ cây hoa lá cầu kỳ lại thực sự tồn tại ở thôn Choản Thèn, Y Tý!

Qua lời kể của một người bạn đam mê khám phá những vùng đất hoang sơ, tôi biết đến công viên Choản Thèn. Nhắc đến công viên, ai cũng sẽ mường tượng ra những vòng đu quay, ghế bập bênh, cầu trượt… hay những thảm hoa đủ màu sắc nhưng có một nơi công viên lại đơn giản chỉ là địa điểm vui chơi của tụi trẻ.

Trải qua quãng đường dài gần 80km từ thành phố Lào Cai, tôi có mặt tại Y Tý. Quyết định tự mình khám phá mảnh đất hoang sơ giữa đại ngàn mây che phủ, tôi chạy xe theo biển chỉ dẫn xuống thẳng thôn Choản Thèn. Dừng chân tại trường bán trú bên đường, cổng thôn hiện lên sau đám sương mù. Xa xa có một cây Đuya già một mình vươn lên mạnh mẽ.

Ban mai xanh Choản Thèn. Ảnh: Viết Anh Mạnh

Gửi xe ở nhà dân ven đường, tôi đi dọc theo con đường bê tông nhỏ đi vào thôn. Sáng sớm ngày chủ nhật, bọn trẻ đứa bồng em, đứa giặt đồ phụ người lớn bên các bể nước cạnh nhà. Những ngôi nhà trình tường trong truyền thuyết hiện ra trước mặt tôi. Được biết, thôn Choản Thèn đã tồn tại 300 năm với 100% người Hà Nhì đen. Vì khí hậu khắc nghiệt nên những ngôi nhà trình tường trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đất này. Chúng vừa giúp người dân thích nghi với thời tiết mùa đông khắc nghiệt vừa tạo nên bức tranh thơ mộng giữa núi rừng.

Bắt gặp vài đứa bé mặc trang phục dân tộc với màu chàm đen nổi bật, tôi bị cuốn hút bước đi theo chúng. Từ lúc nào, công viên Choản Thèn hiện lên giữa những tầng mây. Ở đây những đứa trẻ đang tụm năm tụm ba cùng chơi bắn bi. Một tốp khác đang chơi trò kéo co. Đến đây, tuổi thơ của tôi như ùa về. Tôi đắm chìm vào cảm xúc ngày nhỏ. Ngày ấy cũng giống như giây phút này, những trò chơi dân gian là thú vui sau mỗi giờ tan học. Bất giác tôi nhớ về cuộc sống xô bồ nơi thành thị, trẻ con thiếu địa điểm vui chơi lành mạnh. Tôi thở dài rồi rất nhanh lấy lại cảm xúc vui vẻ.

Rút điện thoại trong túi xách, tôi chụp một vài shoot hình làm kỷ niệm. Những nụ cười hồn nhiên của bọn trẻ làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Ngày xưa, mình cũng có 1 tuổi thơ như này! Tôi phát cho chúng một vài cái kẹo mua trên đường lên Y Tý. Chúng ngoan ngoãn xin và cảm ơn tôi.

Góc nhỏ bản Choản Thèn. Ảnh: Bùi Đức Việt

Một vài người dân đi đâu về cũng dừng chân tại “lán công viên” nghỉ ngơi. Đa số, họ đều mặc trang phục dân tộc. Dưới chân họ đặt một chiếc gùi bên trong đựng một số nông sản vừa thu hoạch. Giữa tháng 10, người dân Hà Nhì đã gặt xong, những thung lũng ruộng bậc thang bao quanh công viên Choản Thèn không còn màu vàng óng của lúa thay vào đó là sắc vàng xanh của rơm rạ. Phòng tầm mắt ra xa, 4 căn lán nhỏ xinh được dựng lên vừa để phục vụ khách tham quan vừa để người dân nghỉ ngơi.

Gặp bạn Ly Xá Gơ – một người con dâu của Choản Thèn, tôi khá bất ngờ khi biết công viên Choản Thèn là nơi tổ chức các lễ hội của người Hà Nhì. “Lễ hội Khô Già Già là lễ hội cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì. Cái cọc ở giữa công viên là để cọc trâu vừa để làm đu quay. Lễ hội này tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch…”, Gơ kể.

Nhìn 2 cây đuya già sừng sững tạo khung cảnh tuyệt đẹp, tôi nhớ đến cây đuya già ở đầu thôn. Tôi từng nghe một người bạn kể lại trước đây trong thôn Choản Thèn có 5 cây đuya già (3 đầu thôn, 2 cuối thôn). Mỗi khi có 1 người già làng mất sẽ chặt 1 cây. Đến nay, trong thôn còn lại 3 cây.

Tạm biệt mấy đứa nhỏ, tôi theo Gơ đến nhà du lịch cộng đồng ở giữa thôn. Căn nhà xây dựng theo kiến trúc của nhà trình tường. Bên trong có một số gian phòng phục vụ khách du lịch lưu trú lại. Đến đây, tôi một lần nữa bất ngờ về trang phục dân tộc của phụ nữ Hà Nhì. Được chạm tay vào những đường viền uốn luyện như sóng nước, bông hoa bằng bạc trên nền chàm đen, khuy vải hình bông hoa,…  tôi mới biết chúng kỳ công thế nào. Các trang phục này đều được may trong khoảng thời dài, thậm chí hơn 1 tháng.

Một ngày với muôn vàn trải nghiệm, tôi ngược đường lên Y Tý. Quay lại đường cũ, những cây đào rừng khẳng khiu đang chờ xuân đến để khoe sắc giữa bản làng. Một số nhà treo bắp ngô trên gác nhà hay hiện nhà. Tất cả những điều hoang sơ, gần gũi và thân thiện khiến tôi mong muốn một ngày gần nhất được đặt chân đến mảnh đất này!